Kiên trì vận động xóa hủ tục
Ông Ba Mun kể, ông sinh ra trong lửa đạn của chiến tranh. Năm 1966, ở tuổi 15, ông vào ngành công an. Công tác trong ngành được ít năm, lần đầu tiên ông được cử sang Campuchia học khóa nghiệp vụ về an ninh. Những năm sau đó, đơn vị tiếp tục cử ông theo học nhiều khóa nghiệp vụ khác. Khi đã kinh qua nhiều khóa đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ với trí thông minh cộng với tính khí mạnh mẽ, ông luôn xông pha nơi “đầu sóng ngọn gió” mà cấp trên giao phó. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, đến năm 1985, ông Ba Mun được bổ nhiệm làm Trưởng Công an huyện Phước Long.
Tội phạm những năm sau giải phóng miền Nam khá phức tạp, nổi lên là các đối tượng Fulro chống đối, tình trạng tranh chấp đất đai, nạn vượt biên trái phép, buôn lậu nơi biên giới, buôn bán người ra nước ngoài, tranh chấp trong làm ăn... Hồi ấy, thông tin liên lạc, giao thông, phương tiện di chuyển hạn chế nên những vụ án điều tra rất khó khăn, mất thời gian và tốn kém. Tuy nhiên, có khó mấy, ông Ba Mun và đơn vị cũng quyết tâm phá án, giảm đáng kể tỷ lệ vụ việc tồn đọng.
Ông Ba Mun nhớ lại: “Tôi nhớ một vụ việc xảy ra đầu năm 1990, có 6-7 cô gái trẻ sau khi bị các đối tượng dụ dỗ trót lọt sang Campuchia đã bị lợi dụng để kinh doanh thân xác. Khi nắm được tình hình, tôi cùng các anh em đi lại nhiều lần sang Campuchia phối hợp với lực lượng nước bạn tìm manh mối. Phải hơn 1 tháng miệt mài vào cuộc, các cô gái được giải thoát trở về”…
Sau 7 năm làm Trưởng Công an huyện Phước Long, ông Ba Mun được điều về Công an tỉnh Sông Bé cũ rồi Công an tỉnh Bình Phước sau này. Năm 2009, ông được nghỉ hưu theo chế độ. Về hưu nhưng ông Ba Mun vẫn đau đáu phải làm việc gì đó hỗ trợ đồng bào, quê hương. Là người dân tộc S’tiêng, ngoài việc luôn gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để đồng bào noi theo, ông Ba Mun còn tham gia nhiều hoạt động trợ giúp cộng đồng dần xóa bỏ các hủ tục.
Vốn sinh ra giữa rừng già, từ nhỏ ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình phải khốn khổ vì những hủ tục lạc hậu. Nhiều gia đình nghèo khi có ma chay, cưới hỏi phải lo vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn. Hệ quả là nhiều gia đình phải bán ruộng nương, đất đai nên nợ nần, nghèo khó cứ bám riết.
Quyết tâm thay đổi hủ tục, ông Ba Mun đến từng nhà vận động để thuyết phục về việc thực hiện nếp sống mới. Cứ như vậy, ông kiên trì với cách làm của mình, lần đầu không nghe, ông đến tiếp lần hai, lần ba... Trong các buổi họp thôn hay dịp lễ, tết gặp mặt đông đủ bà con, ông cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền cho mọi người hiểu.
Năm này qua năm khác, nhận thức của nhiều người dân trong vùng đồng bào khắp nơi ông đến đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Đặc biệt là bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ lạt, cưới hỏi được tổ chức ít tốn kém hơn trước. Ông Ba Mun chẳng nhớ nổi đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở tỉnh Bình Phước. Chỉ biết rằng, những nơi ông đến, hủ tục lạc hậu, tin bùa ngải, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới ấm no, hạnh phúc.
Cùng cộng đồng bảo vệ rừng
Nhắc đến ông Ba Mun còn phải nhắc đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Về hưu năm 2009, thì năm 2010, ông Ba Mun được lãnh đạo Vườn quốc gia Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) mời tham gia cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng Vườn quốc gia và ông đã vui vẻ nhận lời. Hàng chục năm với vai trò Tổ trưởng Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Nga, ông không chỉ trực tiếp tham gia, mà còn vận động đồng bào trong xã nơi ông sinh sống và các xã lân cận cùng tham gia. Có tiếng nói tuyên truyền, vận động của ông Ba Mun nên đến nay, hầu hết diện tích hơn 25.600ha rừng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã được giao cho các cộng đồng thôn bản trên địa bàn nhận khoán bảo vệ.
Trong những người từng được ông Ba Mun vận động tham gia giữ rừng, có người trước đây từng là lâm tặc khét tiếng. Ông Ba Mun cho biết, “Mỗi người cần một cây rừng, tôi nói một người một cây, 1.000 người 1.000 cây thì rừng còn đâu nữa. Có năm, con suối Đắk Mai nơi gần rẫy tôi trơ cạn nước, tôi nói với đồng bào nguyên nhân do rừng bị phá, từ ấy bà con mới tin phá rừng là tội ác”.
Ông Ba Mun dẫn ra trường hợp anh Điểu Long, 50 tuổi, ở thôn 5, xã Bù Gia Mập, thuộc cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Bù Lư, trước đây là lâm tặc nổi cộm. Được ông bảo lãnh vào cộng đồng nhận khoán nên cuộc sống của anh Long ổn định hơn.
“Trước đây, rừng bị người dân phá nhiều nhưng hơn 10 năm qua, nhờ có đồng bào bảo vệ nên rừng không còn bị phá. Mọi người tham gia tuần tra rừng luân phiên. Mỗi quý, các hộ nhận lương một lần, một ngày tuần tra rừng được nhận 150.000 đồng, ai tuần tra nhiều thì được nhiều, có hộ nhận hơn 10 triệu đồng/quý. Việc nhận khoán bảo vệ rừng đã giúp cho hàng chục hộ đồng bào thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và chứng minh một điều “cộng đồng bảo vệ rừng - rừng bảo vệ cộng đồng”, ông Ba Mun chia sẻ.
Hiện tại, ông Ba Mun sống bằng nguồn lương hưu, tiền bảo vệ rừng và cơ ngơi 5ha vườn trồng cao su, điều. Với những đóng góp không ngừng, ông Ba Mun đã được các cấp, các ngành Trung ương và địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và là điển hình làm tốt công tác nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.