
Chính thức chèo lái nền kinh tế Trung Quốc từ hơn một năm nay, Thủ tướng Ôn Gia Bảo được biết tới với danh xưng một "Chu Ân Lai của thời hiện đại", vị Thủ tướng đầu tiên đến nay luôn được nhân dân Trung Quốc tôn kính.
- Vị thủ tướng của nhân dân

"Sở dĩ danh xưng Chu Ân Lai xuất hiện là vì ông Ôn có khả năng lãnh đạo bộ máy chính quyền khổng lồ, buộc những cơ quan khác nhau và thậm chí kình địch nhau cùng làm việc", theo nguồn tài liệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy mới nhậm chức Thủ tướng chưa lâu, nhưng ông Ôn Gia Bảo đã gây được nhiều chú ý trong 5 năm làm phó cho người tiền nhiệm Chu Dung Cơ. "Trong các cuộc họp nội các, Thủ tướng Chu Dung Cơ thường yêu cầu ông Ôn kết luận, nói cách khác là tổng hợp những đề xuất của các thành viên nội các. Ít nói hơn những người đồng nhiệm (các Phó Thủ tướng) nhưng hiếm người có thể bì kịp khả năng của ông chuyển tải những vấn đề phức tạp thành các khuyến nghị chính sách dễ hiểu".
Đó cũng là lý do vì sao Thủ tướng mãn nhiệm Chu Dung Cơ đã tin tưởng giao phó cho ông nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các chính sách nông nghiệp, tài chính và môi trường từ năm 1998, những lĩnh vực vô cùng quan trọng trong khi Trung Quốc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trên cương vị này, ông là tác giả của chương trình Đại khai phá Miền Tây và Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2001-2005). Ông Ôn cũng có công trong việc mở rộng thị trường chứng khoán và đảm bảo rằng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn sẽ được chấp nhận tư nhân hoá thông qua việc niêm yết trên các thị trường chứng khoán quốc tế. Cùng với Hồ Cẩm Đào và Tăng Khánh Hồng, ông chịu trách nhiệm chuẩn bị toàn diện cho Đại hội 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phong cách Ôn Gia Bảo được báo chí mô tả là ít nói, điềm tĩnh và cẩn thận, đối lập một cách thú vị với một Chu Dung Cơ quyết liệt. Tuy vậy, ông là người biết nói chuyện và là "con người của nhân dân".
Sinh năm 1942, Ôn Gia Bảo bắt đầu sự nghiệp ở sở địa chất tỉnh Cam Túc sau khi học ngành cơ địa chất tại Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó bắt đầu tìm kiếm nhân tài, và ông Ôn được giữ chức phó chánh văn phòng trung ương đảng trong 8 năm rồi sau đó là Chánh văn phòng. Thời gian dài đủ chứng tỏ ông là một nhà quản lý có năng lực.
Không chỉ chứng tỏ được phẩm chất của một nhà quản lý và kỹ trị, chính khách Ôn Gia Bảo còn "sống sót" được qua những cơn sóng gió, biến thiên chính sự Trung Hoa. Từ năm 1965, ông đã hoạt động dưới thời 3 nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương cho đến Giang Trạch Dân. Trong thời gian này, ông đã xây dựng được uy tín nhờ tính tỉ mỉ và luôn tập trung vào những kết quả cụ thể.
Một năm cầm quyền Thủ tướng, trong ấn tượng của người dân, Ôn Gia Bảo là người kế nhiệm xuất sắc, kiên định con đường cải cách kinh tế mà những người tiền nhiệm đã đi. Dưới thời của ông, Trung Quốc đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Và địa vị Trung Quốc trên bản đồ kinh tế thế giới đang khiến nhiều quyền lực kinh tế cũng phải kiêng nể.
(Theo Vietnamnet)