Tại kỳ họp tháng 7 của Tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra ngày 30-7 vừa qua, tại Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, đánh giá thị trường hàng hóa tháng 7-2019 tiếp tục có nhiều biến động tăng - giảm đan xen nhau do chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài đã gây áp lực lên cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới.
Trong nước, thị trường hàng hóa tháng 7 nhìn chung nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng thiết yếu không cao nên giá tương đối ổn định. Mặt hàng xăng dầu tiếp tục được điều hành theo quy định, phù hợp với xu hướng giá thị trường thế giới, nhưng có sự điều chỉnh mức trích quỹ bình ổn để hạn chế biến động giá, góp phần bình ổn mặt bằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước.
Mặt hàng gạo, mặc dù đang trong giai đoạn thu hoạch rộ của vụ hè thu và nhờ tiêu thụ tốt, giá xuất khẩu tăng nên giá trong nước bắt đầu tăng nhẹ.
Mặt hàng thịt heo giá tăng tại các tỉnh phía Bắc, giảm tại các tỉnh phía Nam do dịch bệnh đang lây lan tại phía Nam, nhiều hộ chăn nuôi tranh thủ bán sớm để tránh dịch. Các mặt hàng khác, cung cầu, giá cả tương đối ổn định.
Với biến động như vậy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 đạt 415.113 tỷ đồng, tăng 1,66% so với tháng trước. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đạt 2.804.827 tỷ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,74%.
Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong thời gian tới, các vấn đề về chính trị và thương mại giữa các nước lớn đang diễn biến theo chiều hướng căng thẳng nên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu.
Giá xăng dầu, lương cơ bản tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều mặt hàng thiết yếu. Với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các bộ ngành, cùng nguồn cung được đảm bảo tốt sẽ giúp bình ổn thị trường các tháng tiếp theo.
Cụ thể, các bộ ngành tăng cường phối hợp với địa phương để điều phối và nắm bắt kịp thời về khả năng cung cầu, giá cả hàng hóa. Tại mỗi địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, ổn định giá cả.
Phối hợp thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
Về phía TPHCM, đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành lựa chọn doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tham gia vào hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa được tổ chức vào tháng 9-2019 và hội chợ triển lãm hàng Việt Nam tại Thái Lan tháng 10-2019 tới đây.
Mặt khác, TPHCM sẽ tích cực triển khai thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và Tết 2020 nhằm đảm bảo nguồn hàng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định trong dịp mua sắm cao điểm cuối năm.