Nỗ lực bình ổn
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch Covid-19. Dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Về giá cả, do chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới, giá trong nước có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng như xăng dầu. Theo nhận định của Bộ Công thương, nửa cuối năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều biến động. Vì vậy, ở trong nước, nguồn cung hàng hóa chịu ảnh hưởng từ giá trên thị trường thế giới, vẫn sẽ ở mức giá cao.
Để đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu, hiện nay, các địa phương và doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối đều có các giải pháp cụ thể, tập trung ổn định thị trường, tránh cú sốc tăng giá quá lớn. Tại TPHCM, Chương trình bình ổn thị trường là một công cụ quan trọng giúp ổn định giá cả. Theo Sở Công thương TPHCM, chương trình năm nay có sự tham gia của 69 doanh nghiệp, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.
Chuẩn bị nguồn hàng dự phòng
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, sở đang đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ bảo đảm sản lượng cung ứng ra thị trường với giá bán ổn định. Bên cạnh đó, sở chủ động làm việc với hệ thống các kênh phân phối và các doanh nghiệp để cùng xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua dự trữ đúng kế hoạch, đúng tiến độ mà UBND TPHCM yêu cầu. Trong đó, đối với nhóm ngành hàng lương thực thực phẩm, các doanh nghiệp bình ổn sẽ duy trì lượng hàng chiếm từ 25-35% nhu cầu thị trường, đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng, góp phần ổn định tình hình giá cả. Cùng với đó, ngành công thương cũng phối hợp các đơn vị thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng, hướng đến mục tiêu chung là ổn định tình hình thị trường tiêu dùng từ nay đến cuối năm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị nguồn hàng và cân đối để có giá hàng hóa tốt nhất. Tại Saigon Co.op, đơn vị này đã và đang tập trung kết nối cung - cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, giảm bớt các khâu phân phối trung gian để giảm giá thành. “Chúng tôi nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất, cùng tìm giải pháp cân đối để giá điều chỉnh ở mức thấp nhất. Bản thân Saigon Co.op cũng đang triển khai nhiều giải pháp cắt giảm tối đa chi phí, mục đích là giữ giá bán hàng hóa hoặc không tăng quá cao”, lãnh đạo Saigon Co.op khẳng định.
Ở tầm vĩ mô, Bộ Công thương vừa đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp nhằm giảm bớt khó khăn của người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Riêng với xăng dầu, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội cam kết đảm bảo nguồn cung cho thị trường xăng dầu đến hết quý 3-2022. |