Mở rộng các kỳ thi riêng
Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM trong năm 2024, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: Về cấu trúc bài thi sẽ giữ ổn định như năm 2023, nhưng để tạo thuận lợi cho thí sinh, dự kiến sẽ tổ chức thêm tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh (năm 2023 tổ chức tại 17 tỉnh, thành phố). Về thời gian sẽ có điều chỉnh, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 4 và đầu tháng 6 (năm 2023 tổ chức vào cuối tháng 3 và cuối tháng 5).
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 xem danh sách và sơ đồ phòng thi tại điểm thi Trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG |
Trao đổi tại hội nghị tổng kết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, triển khai kỳ thi năm 2024, GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024 dự kiến có 6 đợt thi (từ tháng 3 đến tháng 6-2024), tổ chức vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Kỳ thi sẽ tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính và kết quả cũng được máy chấm. Trong mùa tuyển sinh năm 2023, có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để xét tuyển.
Trong khi đó, theo PGS-TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội), trường bắt đầu đăng ký thi đánh giá tư duy từ ngày 6-11. Việc đăng ký dự thi thực hiện hoàn toàn trực tuyến tại địa chỉ https://tsa. hust.edu.vn/. Thí sinh đăng ký bằng căn cước công dân để tránh trường hợp thi hộ bởi trường sử dụng công nghệ quét và chụp ảnh nhận diện thí sinh trước khi vào phòng thi.
Theo dự kiến, đợt thi đánh giá tư duy đầu tiên của ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức vào ngày 2 và 3-12. Ngoài ra, có 5 đợt thi khác diễn ra trong năm 2024, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6 và tổ chức tại 8 địa phương. Nội dung và hình thức bài thi đánh giá tư duy năm 2024 được giữ nguyên như năm 2023 với 3 phần: tư duy toán học (60 phút), tư duy đọc hiểu (30 phút) và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút). ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ cấp giấy chứng nhận có thời hạn 2 năm để thí sinh dùng đăng ký xét tuyển vào các trường chấp nhận bài thi này.
Tăng đào tạo các ngành công nghệ cao
Điểm nổi bật trong mùa tuyển sinh năm 2024 là một số trường ĐH lớn sẽ mở mới và tăng chỉ tiêu các ngành công nghệ cao, điển hình là ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.
Theo PGS-TS Trần Mạnh Hà, Phó trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), từ nay đến năm 2027, ĐH Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu có hơn 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch thông qua các khóa đào tạo năng lực 200 kỹ sư/năm và 100 sinh viên tốt nghiệp/năm. Theo dự thảo đề án của ĐH Quốc gia TPHCM, chương trình đào tạo tiên tiến về thiết kế vi mạch ở bậc ĐH và sau ĐH sẽ được gắn liền với thực tiễn của các doanh nghiệp, kinh nghiệm từ các quốc gia có thế mạnh và kết nối với định hướng chung từ Chính phủ. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng gắn chặt đào tạo và nghiên cứu về thiết kế vi mạch.
ĐH Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại cho đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch, đặt tại Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo của ĐH Quốc gia TPHCM (vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, hoàn thành vào năm 2025). Trong năm 2024, một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng sẽ tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin... Tương tự, các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH FPT... trong năm 2024 cũng sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch.
Để khuyến khích người học theo học ngành thiết kế vi mạch và bán dẫn, Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ 3 nhóm chính sách: thứ nhất là hỗ trợ, khuyến khích người học bằng các chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi; thứ hai là hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu, trước hết là năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm và công cụ phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng; thứ ba là khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều trường ĐH, việc đào tạo thiết kế vi mạch không dễ bởi không phải chỉ cần có một chiếc máy tính, phần mềm là có thể đào tạo, mà đòi hỏi nhiều điều kiện khác. Bên cạnh đó, ngành thiết kế vi mạch chưa được nhiều người biết đến, chưa rõ nhu cầu nhân lực của ngành này như thế nào. Điều này ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, hiện nay cả nước có 35 cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo lĩnh vực trực tiếp hoặc gần với ngành thiết kế vi mạch và bán dẫn. Theo dự kiến, năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp về thiết kế vi mạch bán dẫn và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn.