Phát triển kinh tế chú trọng bảo vệ môi trường
Kết luận phiên họp, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Các mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: tăng trưởng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp; và xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khoảng 2,2%.
Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế có dấu hiệu đảo chiều từ quý 2-2017, bắt đầu với tốc độ tăng trưởng cao mà theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nguyên nhân chính là do những nỗ lực cải cách thể chế, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Chính phủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng năng suất lao động và chỉ số đổi mới sáng tạo tăng. Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro ngắn hạn, trước mắt là các rủi ro thương mại, tiền tệ, rủi ro dòng vốn… nhất là xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc và các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đối với các nước mà Hoa Kỳ nhập siêu…
Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019, 2020. Tinh thần lớn nhất vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều sau 2 năm đầy thử thách. Thủ tướng yêu cầu, phát triển kinh tế nhưng phải chú trọng vấn đề môi trường, đặc biệt, chú trọng an toàn cho người dân tốt, kể cả an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn trước lũ, bão. “Chúng ta không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu, cải cách thuế giá trị gia tăng, không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công, như giá điện; kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu cần ổn định tỷ giá đồng Việt Nam theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017; không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm; không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể; chú trọng hơn nữa thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng hơn đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Đồng thời, kiểm soát tốt biên giới, ngăn chặn hiệu quả hàng công nghệ thấp ồ ạt vào Việt Nam.
Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, khẩn trương phân loại, giải tỏa hàng ngàn container phế thải đang nằm tại các cảng biển Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm, yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu rác thải, chất thải vào Việt Nam thời gian qua; hạn chế tối đa việc nhập phế liệu vào Việt Nam, trừ phế liệu hết sức cần thiết cho sản xuất.
Về tình trạng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam sau đó làm giả xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ để được hưởng thuế suất ưu đãi, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Với tình hình như hiện nay ta có thể tính đến những trường hợp xấu nhất có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Hàng Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất đi Hoa Kỳ nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp ngược lại, hàng từ Hoa Kỳ sang Việt Nam để xuất sang Trung Quốc, nhất là các mặt hàng về thực phẩm cao cấp, thịt bò…”. Bộ Công thương đã có đề xuất, báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.