Đây là tín hiệu đáng lo ngại, cho thấy thực tế đang đòi hỏi có chính sách đặc biệt để cải thiện thu nhập giáo viên trường công và giữ giáo viên giỏi.
Giáo viên bỏ công ra tư
Trường Tiểu học L.N.H. đã phải gấp rút tuyển dụng giáo viên mới để đảm bảo số lượng giáo viên phục vụ năm học mới. Khó khăn đặt ra, đây là một trường điểm, đòi hỏi giáo viên công tác ở đây phải có khả năng, trình độ chuyên môn cao. Thế nên giải quyết tình huống thiếu hụt nhân sự do giáo viên giỏi bỏ công ra tư sẽ là vấn đề đau đầu đối với ngành giáo dục TPHCM.
Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, đã phân tích: “Không riêng gì ngành giáo dục - đào tạo, mà ở nhiều ngành nghề khác trong hệ thống công lập, thu nhập luôn bị giới hạn bởi những quy định thứ tự, bậc khung. Việc không được vượt bậc, vượt khung sẽ là áp lực đối với thu nhập của công chức, viên chức. Đặc biệt là những người giỏi, họ có thể làm để có thu nhập cao. Giáo viên dạy giỏi cũng vậy, bản thân họ có năng suất, trình độ, nhưng vì những quy định mà thu nhập chưa tương xứng. Do đó một số giáo viên đã ra trường tư dạy để có thu nhập tốt hơn. Đây là một điều đáng buồn, nhưng chúng ta cũng đừng vì thế mà cho rằng đó là hành vi không đúng theo chuẩn nghề giáo. Chúng ta cần tự hỏi mình đã lo được gì cho nghề giáo. Mặt khác, chúng ta đang khuyến khích có thêm nhiều trường tư để đáp ứng tình hình hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa, chúng ta phải chấp nhận sự thật là giáo viên giỏi có thể ra trường tư chứ không nhất thiết phải dạy ở trường công”.
Nhằm giải bài toán thiếu hụt nguồn tuyển dụng công chức, viên chức, UBND TPHCM vừa quyết định bỏ điều kiện có hộ khẩu tại TPHCM. Đây là điều rất cần đối với ngành giáo dục - đào tạo TPHCM, để thu hút thêm giáo viên giỏi và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học.
Thu hút người tài
Ngay trong năm học 2017 - 2018, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã bỏ điều kiện hộ khẩu TPHCM trong tuyển viên chức đối với một số trường hợp để thu hút người tài. Đó là các trường hợp có học hàm giáo sư (dưới 45 tuổi đối với nữ và 50 tuổi đối với nam); phó giáo sư (dưới 40 tuổi); tiến sĩ (dưới 35 tuổi); thạc sĩ (dưới 30 tuổi); tốt nghiệp loại xuất sắc các đại học trong nước hoặc tốt nghiệp loại giỏi các trường đại học nước ngoài (dưới 25 tuổi). Con số thống kê từ Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM cho thấy, khi bỏ điều kiện có hộ khẩu TPHCM đối với một số trường hợp ứng tuyển viên chức ngành giáo dục - đào tạo TP, nhiều ứng viên tỉnh có bằng thạc sĩ đổ về rất đông, tỷ lệ cạnh tranh cao. Đặc biệt là ở các bộ môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, nên ngành có điều kiện để thu hút những người giỏi.
Khi bỏ điều kiện có hộ khẩu TPHCM trong tuyển dụng giáo viên, chắc chắn nguồn tuyển dụng cũng sẽ phong phú hơn. Điều này đòi hỏi ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên sư phạm phải cạnh tranh cao trong học tập, rèn luyện để có kết quả tốt nhất - vì khi ra trường, không chỉ có các ứng viên có hộ khẩu TPHCM ứng tuyển vào các cơ sở giáo dục tại TPHCM, mà còn có các ứng viên từ nhiều tỉnh - thành khác. Con số 1.300 ứng viên đăng ký dự tuyển vào ngành giáo dục (tỷ lệ 1 chọi 3,45) trong năm học này, cho thấy đã có lối ra cho bài toán giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, khi xét tuyển dụng giáo viên, ngoài các căn cứ về nguồn đào tạo, bằng cấp, năng lực thực sự, có một vấn đề tế nhị đặt ra là cách phát âm vùng miền của ứng viên. Bởi nếu giáo viên phát âm giọng địa phương khiến học sinh TPHCM nghe không rõ, cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Một vấn đề rất quan trọng vẫn cần có biện pháp giải quyết căn cơ là làm sao để thu nhập của giáo viên đủ sống để có thể gắn bó lâu năm với ngành