Cùng với nhiều địa phương khác, dù ngân sách địa phương còn eo hẹp nhưng tỉnh Bình Phước đã có rất nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư để tạo điều kiện cho người dân sớm hòa nhập cộng đồng, không để xảy ra tình trạng đói ăn, thất học.
Niềm vui bên những ngôi nhà mới
Hơn 2 tháng nay, khu nhà đại đoàn kết (ấp 1, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) trở nên nhộn nhịp vì có 8 hộ gia đình với hơn 30 nhân khẩu là kiều bào Campuchia sinh sống dưới chân cầu Sài Gòn được cấp nhà mới khang trang, sạch đẹp tại đây. Mỗi căn có diện tích đất và nhà 400m², kinh phí xây dựng 65 triệu đồng/căn; tổng vốn đầu tư 520 triệu đồng.
Các ngôi nhà tường xây chắc chắn, mái lợp tôn, cửa sắt, nền tráng xi măng mới nguyên, có đường giao thông rộng rãi, nối liền với trường học, trạm xá, chợ, thuận tiện cho việc đi lại. Khu dân cư được trang bị đầy đủ điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, mương thoát nước. Đây là những giấc mơ an cư từ bao đời nay của các hộ dân từng sinh ra, lớn lên trên Biển Hồ ở nước bạn Campuchia.
Trong căn nhà mới xây, chị Nguyễn Thị Tám (37 tuổi) kể, hai vợ chồng có với nhau 6 người con và sống chen chúc trong một chiếc ghe chật hẹp lênh đênh trên sóng nước Biển Hồ bằng nghề giăng câu kéo lưới. Do cuộc sống ngày càng khó khăn, năm 1999, vợ chồng chị cùng hàng chục gia đình khác kéo về dưới chân cầu Sài Gòn dựng chòi sinh sống. Hàng ngày, xóm chài nhờ dòng nước lên xuống để đánh bắt cá tôm nhưng cái nghèo cái đói luôn bủa vây và sợ nhất là mỗi khi giông bão, tính mạng người già trẻ nhỏ thường xuyên bị đe dọa.
Còn ông Lê Văn Minh 54 tuổi nhưng mới lần đầu được sống trong ngôi nhà khang trang và kiên cố như vậy. Nhớ lại những ngày sinh sống tạm bợ dưới chân cầu Sài Gòn lúc mới từ Biển Hồ về, ông Minh tâm sự: “Tôi về địa phương sinh sống bằng nghề đánh cá ở dưới chân cầu Sài Gòn từ năm 2005. Hơn chục năm nay, 13 con người trong gia đình quẩn quanh trong ngôi nhà tạm bằng tôn, quây bạt chật chội vô cùng. Cuộc sống không đất sản xuất, không hộ khẩu, không quốc tịch, bấp bênh thiếu ổn định. Khi đó nằm mơ cũng không dám nghĩ có ngày mình được tặng một căn nhà tường khang trang, sạch đẹp với đầy đủ tiện nghi như bây giờ”.
Cũng như các hộ Việt kiều khác, gia đình ông Lê Văn Lũy sống lênh đênh trên các sông hồ kiếm ăn bằng nghề chài lưới, năm 2002 trở về sống tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn. “Cuộc sống không thể thoát nghèo vì thu nhập chỉ dựa vào việc đánh bắt cá, tôm và tiền công làm thuê theo mùa vụ. Nay được cấp nhà và đất sản xuất, đi khám bệnh lại có bảo hiểm y tế nên gia đình ai cũng phấn khởi”, ông Lũy chia sẻ.
Dồn lực cho dự án tái định cư
Toàn tỉnh Bình Phước có tổng số 352 hộ với 1.544 nhân khẩu là Việt kiều hồi hương từ Campuchia di dân tự do về vùng lòng hồ thủy điện, lòng sông sinh sống. Từ đầu năm 2019 đến nay, chính quyền tỉnh Bình Phước đã hành động quyết liệt để giúp kiều bào an cư lạc nghiệp.
Điển hình là huyện Bù Gia Mập, có 108 hộ với 507 người đang sống men theo 2 lòng hồ thủy điện (Thác Mơ, Cần Đơn). Huyện đã linh động tạo điều kiện cho tất cả trẻ em được đến trường, 100% bà con được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Trong đó, có 30 hộ Việt kiều hồi hương được cấp đất, nhà ở tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, (xã Phú Nghĩa); mỗi căn có diện tích 36m2 - 73m2. trị giá từ 50 - 80 triệu đồng. Tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng.
Trong buổi làm việc về tình hình di dân tự do với đoàn công tác của Chính phủ giữa năm 2018, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước, thông tin: “Dù chịu nhiều sức ép, gánh nặng từ dân di cư tự do nhưng tỉnh Bình Phước vẫn tạo mọi điều kiện cho người dân, vì đâu cũng là dân mình và tỉnh đã có dự án định cư cho 42 hộ. Thấy tỉnh chăm lo quá tốt, bà con lại kéo về”.
Người đứng đầu tỉnh Bình Phước cũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, hỗ trợ vốn kịp thời cho tỉnh thực hiện dự án đầu tư di dời, ổn định dân cư ở 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp; cho phép thực hiện 2 dự án định canh định cư trên địa bàn huyện Đồng Phú và huyện Bù Gia Mập...