Xu hướng giảm giá
Kể từ đầu tháng 9 tới nay, người dân TPHCM đã không còn tâm lý lo lắng về nguồn thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Bởi lẽ không chỉ các siêu thị, cửa hàng tiện ích đặt tại khu dân cư luôn đầy ắp hàng, mà việc mua sắm cũng rất tiện lợi. Đặc biệt gần đây, người dân tại các quận, huyện vùng xanh như quận 7, quận 5, huyện Nhà Bè và Củ Chi còn được tự tay lựa chọn thực phẩm thiết yếu cho gia đình ở các siêu thị, chợ ngoài trời. Điều này đã và đang tạo sự phấn khởi cho người dân, giúp họ giải tỏa tâm lý căng thẳng sau nhiều tháng thực hiện giãn cách.
Về giá cả hàng hóa, TPHCM đã đưa vào hoạt động 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối và thị trường nên nguồn cung nhiều hơn, giá nhiều loại nông sản thực phẩm giảm mạnh. Cụ thể, cuối tháng 8-2021 giá các loại rau củ trung bình 40.000 - 60.000 đồng/kg thì nay còn khoảng 25.000 - 40.000 đồng/kg (tùy loại). Các loại hải sản như tôm từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, mực sữa 120.000 - 150.000 đồng/kg, mực ống 200.000 - 240.000 đồng/kg, gà nguyên con 120.000 - 150.000 đồng/kg, vịt cỏ nguyên con 100.000 đồng/kg…
Đáng chú ý, theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), từ ngày 24-9 tới nay tại các hệ thống siêu thị không có tình trạng đông người, chủ yếu đáp ứng các đơn hàng online. Việc đặt hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội thuận tiện, được nhiều người dân lựa chọn nên nhu cầu về dịch vụ giao hàng rất lớn.
Ổn định cung cầu trong trạng thái bình thường mới
Hiện tại, TPHCM đưa ra lộ trình mở cửa trong điều kiện an toàn phòng chống dịch của thành phố (nhất là từ sau ngày 1-10). Theo Sở Công thương, khi đó nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa sẽ được tạo điều kiện, nhu cầu “đi chợ giúp” giảm, khả năng sẽ gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn. Do đó, Sở Công thương sẽ phối hợp các sở ngành, địa phương kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng chống dịch Covid-19, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Về kế hoạch cung ứng hàng hóa lương thực, thành phố sẽ xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn, nhất là với chuỗi sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 2 ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày), chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm qua 3 chợ đầu mối tại thành phố; trong đó tính toán đầu tư vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng...
Cùng với thành phố, các kênh phân phối hiện đại cũng có sự chuẩn bị tích cực để đảm bảo nguồn hàng không bị đứt gãy, đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân. Theo đó, các kênh phân phối đã tăng cường nhân viên phục vụ, xây dựng các phương án kịp thời bổ sung hàng hóa và luân phiên thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi hỗ trợ người tiêu dùng. Điển hình hệ thống Co.opmart và Co.op Food của Saigon Co.op đã tăng lượng nhân viên phục vụ tại cửa hàng, thực hiện giảm giá hàng loạt mặt hàng như thức uống dinh dưỡng, các loại trứng gia cầm, thủy hải sản, thịt gà, thịt bò với mức từ 15-20%. Theo đại diện truyền thông Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food của nhà bán lẻ này đã chuẩn bị lượng hàng hóa đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu của người dân, nhất là nhóm hàng thiết yếu và phương án cung ứng hàng hóa phù hợp với cấp độ giãn cách xã hội của từng địa phương tại khu vực TPHCM thời gian tới.
Tương tự, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm như Vissan, CP, Ba Huân… cũng chủ động cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm với giá ổn định đến người dân TPHCM. Trong đó, Công ty Vissan cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn thịt heo tươi sống và 25 tấn xúc xích tiệt trùng, đồ hộp mỗi ngày… Theo Vụ Thị trường trong nước, đây là những giải pháp kịp thời giúp thị trường hàng hóa TPHCM có nguồn cung đa dạng, góp phần ổn định cung - cầu hàng hóa cho thị trường thành phố trong trạng thái bình thường mới.