Đứng dưới tán cây rừng ngập mặn được bảo tồn rộng 80ha trong khu rừng Al-Qurm ở thủ đô Muscat, nhà khoa học về môi trường Zakiya al-Afifi đang đo vỏ cây ngập mặn, qua đó có thể ước tính khả năng hấp thụ khí CO2 . Theo nhà khoa học Zakiya al-Afifi, rừng ngập mặn là nơi chứa nhiều khí CO2 nhất thế giới và đây là một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên để ngăn chặn tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Trồng cây tại Oman |
Bà Zakiya al-Afifi cho biết, sinh khối trên mặt đất tại rừng ngập mặn ở Al-Qurm có thể lưu trữ tới 80 tấn CO2/ha, thậm chí lớp bùn trầm tích bên dưới mặt đất có khả năng lưu giữ lượng khí thải lớn hơn. Môi trường sống ở rừng ngập mặn có thể loại bỏ khí CO2 khỏi khí quyển với tốc độ nhanh hơn rừng và lưu trữ loại khí này trong thời gian dài hơn. Mỗi cây ngập mặn đều có một hệ thống siêu lọc để bảo vệ cây khỏi sự xâm nhập của muối biển, cùng với một bộ rễ chuyên dụng giúp cây có thể hô hấp trong bùn lầy hoặc lúc triều dâng. Nếu không đẩy mạnh khôi phục rừng ngập mặn thì có thể một ngày nào đó, con người sẽ mất chúng hoàn toàn do biến đổi khí hậu.
Bảo vệ rừng ngập mặn đã trở thành một trong những chính sách xanh của Chính phủ Oman. Kể từ năm 2001, Oman đã triển khai một dự án phục hồi các rừng ngập mặn với tổng diện tích hiện khoảng 1.000ha trên khắp bờ biển. Sau nhiều lần thử nghiệm các kỹ thuật gieo trồng khác nhau, như ươm cây hay gieo hạt bằng máy bay không người lái, các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật gieo giống trực tiếp được coi là hiệu quả hơn.
Trong 2 năm qua, hơn 3,5 triệu hạt giống đã được gieo trồng trực tiếp tại các khu vực được khoanh vùng, riêng trong năm nay là 2 triệu hạt, nhằm đạt mục tiêu trồng 850.000 cây giống để chuyển đến các khu vực ven biển.
Không chỉ phủ xanh khu vực ven biển, hoạt động trồng cây gây rừng lần lượt được triển khai tại Oman. Trong tuần lễ Ngày Cây của Oman diễn ra vào cuối tháng 10, tại nhiều tỉnh, thành đã triển khai hoạt động trồng cây xanh, với sự tham gia tích cực của các trường học và tổ chức xã hội. Người Oman tin rằng, cây xanh là yếu tố tự nhiên quan trọng trong việc tạo ra các thành phố bền vững.
Bên cạnh đó, Oman cũng thúc đẩy các chương trình tín dụng carbon vốn đã trở thành công cụ phổ biến cho các doanh nghiệp muốn bù đắp lượng khí thải carbon của mình. Theo tính toán, 1 tấn CO2 được loại bỏ hoặc giảm bớt khỏi khí quyển tương đương 1 tín chỉ carbon. Tín chỉ này được tạo ra thông qua hoạt động trồng rừng ngập mặn hoặc khôi phục rừng. Cơ quan quản lý môi trường Oman đã ký hợp đồng với Công ty Dự án Xanh MSA của nước này để trồng 100 triệu cây xanh trong 4 năm.
Cũng trong khuôn khổ dự án, 20.000ha đất ở tỉnh Al Wusta sẽ được chuyển đổi thành môi trường sống ngập mặn. Ước tính, sau khi hoàn thành, dự án này sẽ loại bỏ 14 triệu tấn CO2 và tạo ra 150 triệu USD thông qua tín chỉ carbon.