Các định chế tài chính Trung Quốc “hào phóng”, điều kiện cấp tín dụng lại không quá nghiêm ngặt, nên nhiều nước tham gia BRI đã vay tiền Trung Quốc để đầu tư vào những dự án mới. Ngoài việc các dự án chậm tiến độ vì dịch bệnh, khả năng thanh toán nợ cho các định chế tài chính Trung Quốc của các nước này cũng bị tác động vì đồng nội tệ bị mất giá do thất thu từ xuất khẩu, nhưng lại phải tăng chi nội địa để tái thiết kinh tế. Đối với Pakistan và Sri Lanka, có lẽ Trung Quốc mất hy vọng thu về được một số khoản nào đó trong năm 2020.
Một nguồn nợ xấu khác đến từ các thỏa thuận cấp tín dụng đổi dầu lửa, được Trung Quốc áp dụng và luôn bị Ngân hàng Thế giới chỉ trích là thiếu minh bạch về số tiền vay. Và đối với những nước ký thỏa thuận kiểu này với Bắc Kinh, trong đó có nhiều nước châu Phi như Angola, Nigeria, tình hình sẽ còn khó khăn hơn. Thứ nhất, do giá dầu sụt giảm nghiêm trọng nên các nước nợ phải sản xuất nhiều hơn để trả cho Trung Quốc, song gần đây lại không đạt đủ chỉ tiêu sản lượng do dịch Covid-19. Thứ hai là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tạm giảm trong thời gian dịch bệnh.
Dịch Covid-19 là một thảm họa, khiến một bên không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, nên sẽ tránh được các khoản phạt. Trước sức ép phải giãn thời gian thanh toán nợ, thậm chí là xóa nợ, Trung Quốc đã thông qua chương trình giảm nợ cho một số nước nghèo. Tuy nhiên, theo Trung tâm nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU), việc xóa nợ trên diện rộng có thể sẽ gây nên một chu kỳ phản hồi tiêu cực, làm nản lòng các hoạt động cấp tín dụng trong tương lai của Trung Quốc, ít nhất là từ giờ đến cuối năm 2020.
Dù vậy, Bắc Kinh có thể sẽ vẫn phải thực hiện. Chuyên gia Simon Leung thuộc Công ty luật Baker McKenzi (Mỹ) nêu trường hợp 2 ngân hàng cấp tín dụng chính là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đều được Chính phủ Trung Quốc ủng hộ nên các cuộc tái đàm phán về nợ có thể sẽ kèm theo thảo luận về chính trị. Còn ông Homin Lee, thuộc ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier, thì nhấn mạnh đến tầm quan trọng của BRI, nhất là những dự án mang tính chiến lược gắn liền với lợi ích kinh tế tương lai của Trung Quốc.
Trong quá khứ, Trung Quốc, chủ nợ hàng đầu của châu Phi, đã từng nhiều lần xóa nợ cho các nước tại lục địa đen, như vào năm 2018 đã xóa khoản nợ 78 triệu USD cho Cameroon, 7,2 triệu USD cho Botswana và 10,6 triệu USD cho Lesotho; vào năm 2017 xóa 160 triệu USD cho Sudan hoặc tái cơ cấu nợ 1,6 tỷ USD cho Cộng hòa Congo năm 2019… Tuy nhiên, dịch Covid-19 có lẽ sẽ khiến Trung Quốc bị tác động nghiêm trọng hơn nhiều, bởi lần này khối nợ xấu của Trung Quốc mang quy mô toàn cầu.