Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, mà còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng ngư dân.
“Treo” tàu vì chất nổ
Những ngày qua, dù đang trong mùa gió Nam, mùa khai thác thủy hải sản chính trong năm, nhưng nhiều tàu cá của bà con ngư dân phường Mũi Né vẫn phải nằm bờ vì không thể cạnh tranh lại với hàng loạt tàu hành nghề lưới mùng (chuyên đánh bắt cá cơm), trong đó có nhiều tàu sử dụng chất nổ để tận diệt nguồn thủy hải sản.
Nhiều tàu thuyền ngư dân Mũi Né không thể ra khơi vì sự xuất hiện của tàu khai thác hải sản bằng chất nổ
Bà Văn Thị Công Hòa, chủ tàu cá ở phường Mũi Né, bức xúc: “Những chiếc tàu này không biết từ nơi nào đến, họ dùng chất nổ ném xuống biển cả ngày lẫn đêm khiến nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt. Tàu hành nghề pha xúc (dùng đèn để nhử cá, tôm) của tôi giờ phải “treo” bờ vì có ra khơi cũng chẳng thu được gì”.
Còn ngư dân N.V.T. lo lắng: “Tàu lưới mùng của họ ngang nhiên dùng lưới vây xung quanh các tàu cá của chúng tôi để khi ném chất nổ xuống, thủy hải sản chết nổi lên họ vớt dễ dàng. Việc làm này không chỉ khiến nguồn lợi thủy hải sản bị tận diệt mà còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của chúng tôi. Hành động của họ chẳng khác nào ôm “bom” ném xuống biển!”.
Theo các ngư dân phường Mũi Né, cách đây khoảng 5-6 năm, lượng tàu thuyền hành nghề lưới mùng tại vùng biển Mũi Né chỉ có chưa đến 100 chiếc. Tuy nhiên đến thời điểm này, đội tàu này đã phát triển trên 300 chiếc. Trong đó, có nhiều tàu mang số hiệu các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Khánh Hòa… lẫn một số tàu ở địa phương cùng tham gia khai thác.
Ngư dân kêu cứu khẩn cấp
Bức xúc trước việc các tàu lưới mùng gia tăng hoạt động đánh bắt hải sản bằng chất nổ, vừa qua, 48 ngư dân tại phường Mũi Né đã đồng loạt gửi đơn lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị có biện pháp ngăn chặn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né, cho biết: “Có trường hợp ngư dân phường Mũi Né đang đánh bắt trên biển thì bị tàu khai thác bằng chất nổ dùng lưới vây quanh tàu đe dọa, nếu không chạy khỏi khu vực lưới quây họ sẽ ném chất nổ xuống biển. Sau đó, 2 lần họ ném chất nổ khiến ngư dân địa phương phải bỏ chạy. Câu hỏi đặt ra là nguồn chất nổ từ đâu mà ngư dân có? Nếu ta có sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng liên quan chặn đứng được nguồn cung cấp, tăng chế tài xử phạt và thường xuyên tuần tra, kiểm soát thì mới có hy vọng chấm dứt được tình trạng này”.
Trung tá Nguyễn Duy Thìn, Chính trị viên Đồn biên phòng Mũi Né, cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của bà con, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, những đối tượng sử dụng chất nổ ở nơi khác đến, phạm vi đánh bắt lại xa, phương tiện của chúng tôi hạn chế nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Việc bắt giữ các hành vi tàng trữ thuốc nổ trên tàu cá cũng rất khó khăn, bởi với số lượng nhỏ, các đối tượng dễ cất giấu hoặc chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của lực lượng chức năng từ xa là vứt xuống biển để phi tang”.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng biên phòng tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt 5 vụ tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên tàu cá để sử dụng trong khai thác hải sản.