Bế mạc vào tối 23-2, Thế vận hội mùa Đông Sochi (Olympic Sochi) được nhìn nhận là một dự án kinh doanh thành công của nước Nga.
Các món quà lưu niệm đa dạng như thú nhồi bông, đồ trang trí, quần áo... mang biểu tượng Olympic Sochi 2014 mang lại cho các nhà tổ chức hàng trăm triệu USD. Giới truyền thông, quảng cáo cũng bội thu từ sự kiện này. Kênh truyền hình NBS sở hữu bản quyền phát sóng Olympic Sochi cho khán giả Mỹ kỳ vọng thu lợi nhuận ước tính lên tới 1 tỷ USD. Các hợp đồng quảng cáo truyền hình trong thời gian phát sóng Olympic Sochi đã cán mốc kỷ lục mới trong lịch sử các thế vận hội mùa đông. Trong đó, kênh truyền hình NBC của Mỹ đã ký hợp đồng quảng cáo trị giá 800 triệu USD. Ngoài ra, công ty mẹ của kênh truyền hình NBC là Comcast Corp còn đồng ý chi 4,38 tỷ USD để mua bản quyền phát sóng.
Thành công ghi nhận ngay từ những ngày đầu tiên nhưng Olympic Sochi đã trở thành “nạn nhân bị săm soi” của giới truyền thông phương Tây. Đến nỗi Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach phải lên tiếng: “Không nên bôi xấu các hoạt động thể thao nhằm phục vụ cho mục đích chính trị”. Truyền hình Nga dẫn bài phát biểu của Tổng thống Putin cho rằng nước Nga đang đối mặt với biểu hiện của “Thuyết răn đe” từ phía một số nước phương Tây nhằm cản trở sự thành công của đất nước và nhân dân Nga, trong thời gian trước và sau tổ chức Olympic Sochi 2014. “Thuyết răn đe” xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm kiềm chế sự phát triển của Liên Xô trước đây.
Còn theo tờ Pravda, chưa bao giờ những cuộc tranh luận về một kỳ Olympic lại đi quá xa khỏi các chủ đề thể thao đến thế. Phần lớn các phóng viên phương Tây tham gia đưa tin ở Sochi dường như phải đưa tin trên các mặt báo bằng những câu chuyện săm soi các thảm cỏ, dò xét khách sạn và các cơ sở hạ tầng khác. Cứ mỗi lần vận động viên Nga giành được huy chương vàng là họ bảo chiến thắng không trung thực hoặc gây tranh cãi… Tờ báo cho rằng khi các báo lớn của Mỹ dẫn lời giới chuyên gia an ninh toàn cầu gọi đây là Olympic nguy hiểm nhất trong lịch sử thì họ đã vội quên đe dọa khủng bố ở Olympic không phải là điều gì mới mẻ. Tại Olympic Munich 1972, các vận động viên Israel đã bị bắt làm con tin và sát hại. Tại Thế vận hội 1984 ở Los Angeles, phía Mỹ tuyên bố không đảm bảo an ninh cho đoàn Nga và cuối cùng các vận động viên Nga không thể tranh tài trong kỳ đại hội này. Tại Thế vận hội mùa hè Atlanta (cũng ở Mỹ) vào năm 1996, một vụ tấn công khủng bố xảy ra khiến 2 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.
Thể thao luôn được lựa chọn là giải pháp hàng đầu để hàn gắn quan hệ các nước trên thế giới như những câu chuyện về ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ và Trung Quốc; ngoại giao bóng đá giữa Thái Lan và Campuchia; ngoại giao cricket giữa Ấn Độ và Pakistan… Nhưng giới truyền thông phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã lựa chọn thể thao để khoét sâu hố ngăn cách giữa Nga và phương Tây. Lịch sử Olympic từ thời cổ đại có truyền thống ngừng các cuộc chiến tranh trong thời gian diễn ra thế vận hội để thể hiện mục đích cao cả của thể thao là hòa bình và gắn kết con người. Và đó cũng là lý do vì sao biểu tượng của thế vận hội là năm vòng tròn gắn kết với nhau. Nhưng xem ra lần này truyền thông phương Tây đã đi ngược lại truyền thống Olympic, phát động một cuộc chiến - chiến tranh thông tin giữa lúc các vận động viên các châu lục đang tranh tài với tinh thần cao thượng
Thanh Hằng