Ngày 31-8 phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) cùng đồng phạm trong "đại án" kinh tế xảy ra tại OceanBank tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan tới việc chi lãi ngoài vượt lãi suất gây thiệt hơn 1.576 tỷ cho OceanBank.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến cuối năm 2014, do cần huy động tiền vốn nên Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn đã đề ra chủ trương chi lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền trên toàn bộ hệ thống OceanBank để thu hút được nhiều người gửi tiền.
Theo đó, ngoài mức lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng khi gửi tiền tại OceanBank với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ được nhận một khoản lãi suất ngoài. Đây là những khoản lãi suất không thể hiện trong Hợp đồng tiền gửi, Sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký với OeanBank. Đặc biệt, trong số khách hàng gửi tiền với số lượng lớn và hưởng lãi ngoài của Oceanbank có nhiều khách hàng là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó chủ yếu nhóm khách hàng thuộc PVN đã có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên OceanBank nhận các khoản tiền lãi ngoài để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.
Kết quả điều tra, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến tháng 11-2014, có trên 51.400 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại OceanBank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài. Từ việc thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, Hà Văn Thắm và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho OceanBank số tiền 1.576 tỷ đồng.
Trong hành vi vi phạm này, ngoài Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn, cáo trạng còn truy tố các bị cáo khác như: Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng giám đốc OceanBank), Nguyễn Minh Thu (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank), Nguyễn Thị Nga (nguyên kế toán trưởng OceanBank), Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc khối kế toán OceanBank), Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc khối lẻ của OceanBank ), Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc khối khách hàng cá nhân) và một số bị cáo khác với vai trò những người giúp sức đắc lực trong việc triển khai, chỉ đạo cấp dưới thực hiện và trực tiếp thực hiện việc chi lãi ngoài, phải liên đới chịu trách nhiệm về những khoản tiền có liên quan.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba thừa nhận về hoạt động chi lãi ngoài vượt trần của OceanBank nhưng cho rằng bản thân chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Minh Thu.
"Bị cáo đã tổng hợp, kiểm tra các khoản tiền chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng cá nhân. Sau đó, bị cáo ký xác nhận và trình cho Thu phê duyệt, chuyển cho bộ phận kế toán hạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh, phòng giao dịch để chi lãi ngoài cho khách hàng với tổng số tiền thực chi hơn 84 tỷ đồng..."- bị cáo Ba khai nhận.
Bị cáo Ba cũng cho rằng hành vi chi lãi ngoài vượt trần lãi suất chỉ là hành vi vi phạm hành chính bởi trong bối cảnh vào thời điểm đó lạm phát 18% mà trả lãi không quá 14% như quy định của Ngân hàng Nhà nước thì chẳng có ai gửi tiền vào ngân hàng nữa nên OceanBank buộc phải tham gia cuộc chạy đua lãi suất để cứu thanh khoản, cứu toàn hệ thống ngân hàng.
"Khách hàng gửi tiền đòi hỏi tỷ lệ lãi suất tối thiểu phải bù đắp được lạm phát, điều đó không hề vô lý...”- bị cáo Ba lý giải.
Trong khi đó với vai trò là người cầm đầu, bị cáo Hà Văn Thắm khai nhận chủ trương chi lãi suất ngoài của OceanBank bắt đầu từ năm 2009 với sự đồng thuận trong hệ thống ngân hàng, trừ nhóm kế toán. Về nguồn tiền để trả cho việc chi lãi ngoài vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, bị cáo Thắm cho biết, nguồn thu lấy từ cho vay ra, khi cho vay đều chênh lệch 4-4,5%. Việc chi chênh lệch này đảm bảo trả lãi huy động trong hợp đồng và ngoài hợp đồng.
“Mức chênh lệch giữa lãi suất đi vay và lãi suất cho vay của ngân hàng từ 4 - 4,5% nên ngân hàng có đủ tiền để trả và không có khoản nào bị lỗ cả..."- bị cáo Thắm khai nhận.
Tuy nhiên, Hà Văn Thắm cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các thuộc cấp của mình vì theo cựu Chủ tịch OceanBank chia sẻ trong giai đoạn đó, hoàn cảnh thị trường rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất nên nếu không chi chăm sóc khách hàng thì không có nguồn thu và sẽ bị cách chức.