Nghị lực tuyệt vời
Cuối năm 2014, nghĩa là khi mới theo đuổi đường chạy chuyên nghiệp được chừng 4 năm, Nguyễn Thị Oanh rơi vào trạng thái bế tắc, suy sụp sức khỏe và cả tinh thần, khi phát hiện ra căn bệnh viêm cầu thận đang ngày đêm lấy đi của cô khát vọng sống và niềm tin về sự nghiệp điền kinh. “Suốt thời gian tôi nằm viện để điều trị bệnh, bố mẹ phải dừng hết công việc để vào chăm. Tôi thấy mình bất lực, kéo theo là sự chán nản và lo âu. Tôi chỉ biết ôm mẹ mà khóc”, Oanh hoài niệm giọng rưng rưng.
Nhưng rồi, cô gái nhỏ nhắn của vùng đất Bắc Giang lại sáng bừng ánh mắt khi kể tiếp: “Rời bệnh viện, bỗng dưng trong tôi trào lên một khát vọng. Đấy là phải tiếp tục tập luyện, phải chạy để rèn luyện sức khỏe, phải chiến thắng bệnh tật để người thân, bạn bè không ai phải nhìn tôi với ánh mắt thương hại nữa”.
Cô gái ấy, bằng ý chí tuyệt vời của mình, quả thực đã vươn mình đứng dậy, đã lao vào tập luyện, chạy cho quên đi bệnh tật, chạy để nuôi dưỡng một niềm tin lớn dần theo thời gian, đó là được sống, được cống hiến cho điền kinh nước nhà.
Cùng với sự giúp đỡ của người thân, sự động viên của các huấn luyện viên điền kinh tỉnh Bắc Giang và đội tuyển quốc gia, Oanh chữa dứt bệnh và trở lại với giáo án tập luyện, thi đấu. Năm 2017, Oanh đã vỡ òa cảm xúc khi được triệu tập trở lại đội điền kinh Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 29 trên đất Malaysia.
Có thể xem việc được thử sức ở cự ly 1.500m khi đó là một trong những bước ngoặt sự nghiệp cho Oanh vì cô vốn sở trường ở cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m.
“Tôi không được kỳ vọng nhiều có thể giành được HCV cự ly 1.500m vì hình thể của bản thân khá nhỏ bé. Nhưng tôi luôn tâm niệm cứ nỗ lực tập luyện, phấn đấu được đến đâu tốt đến đó. Với lại, tôi đã xác định được mục tiêu cho bản thân nên lao vào thực hiện và quyết tâm đạt bằng được. Khó khăn ở bất kỳ đường đua nào cũng có nhưng hãy kiên trì, đừng từ bỏ ý chí của mình”, Nguyễn Thị Oanh bày tỏ.
"Mỗi danh hiệu đều là sự ghi nhận cho những nỗ lực trong tập luyện, thi đấu của tôi từ các cấp lãnh đạo quản lý và tôi luôn trân trọng điều này. Tôi cũng xác định các mục tiêu để mình phấn đấu, giành thêm danh hiệu. Từng danh hiệu mới chính là mình vươn lên, vượt hết khả năng chuyên môn cống hiến cho thành tích thể thao Bắc Giang và thể thao Việt Nam" -
Nguyễn Thị Oanh
Tại SEA Games 29, Oanh giành HCV cự ly 1.500m đầy bất ngờ, sau đó giành HCV 3.000m vượt chướng ngại vật sở trường ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp 2019 và 2021, kèm theo cả 2 kỷ lục Đông Nam Á mà khó VĐV nào có thể đạt được nếu rơi vào hoàn cảnh như cô.
Không dừng lại ở các cự ly thi đấu trong sân, giới hâm mộ chạy bộ khắp dải đất hình chữ S còn bắt đầu làm quen với “Ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh chinh chiến miệt mài ở các giải marathon từ phong trào đến bán chuyên nghiệp, bền bỉ thi đấu từ SEA Games đến các giải bán marathon (21km), việt dã… ở bất cứ địa điểm nào cô cảm thấy mình đủ khả năng để chinh phục. Cho nên, sau tất cả, những người hiểu Oanh đều khâm phục và tặng cho cô danh xưng “Ốc tiêu không phổi”, coi như một cách ghi nhận ý chí vươn lên tuyệt vời của cô gái nhỏ sau cơn bạo bệnh.
Nhỏ mà “có võ”
27 tuổi (sinh năm 1995), Nguyễn Thị Oanh đang bước vào độ chín muồi của sự nghiệp VĐV. Cô gần như dồn hết tâm huyết cho nghề, cho khát vọng làm rạng rỡ điền kinh Việt Nam. Cô chạy từ SEA Games đến Asian Beach Games, từ trong sân vào đến trong nhà, ở mỗi giải đấu Đông Nam Á và châu Á mà cô góp mặt, dường như đều bừng sáng lên một niềm tin chiến thắng, luôn kết thúc bằng tấm HCV và nụ cười chiến thắng trên bục cao nhất.
Nhiều VĐV của Kazakhstan, Uzbekistan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bahrain… giờ đây chẳng còn dám coi thường cô gái nhỏ bé ấy trong mỗi cuộc tranh tài. Oanh xuất phát hợp lý, phân phối sức vừa đủ cho những đoạn đường cần duy trì tốc độ, rồi “tấn công” quãng đường đua cuối với tốc độ mà đến ngay cả những VĐV nước ngoài từng thi đấu với cô nhiều mùa giải còn cảm thấy choáng váng. Những bước chạy của Oanh, nói như HLV Hồ Thị Từ Tâm, cứ như thể đang dồn nén một nguồn sức mạnh vô song, cứ bộc phát ra thì chẳng đối thủ nào vượt được cô cả. Chiến thắng được xây bằng nhiều yếu tố, nhưng trong đó, Oanh chiến thắng giới hạn của chính bản thân mình mới là quan trọng nhất.
Oanh vừa giành tấm HCV cự ly 1.500m ở giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á năm 2023 ở Kazakhstan. Đấy là một cột mốc chói lọi mà Oanh muốn qua đó chứng minh rằng, chỉ cần yêu, chỉ cần kiên trì, chỉ cần nung nấu quyết tâm thì mọi đường đua khốc liệt nhất có thể bị chinh phục bởi con người.
Hôm 14-2, Oanh và các thành viên của đội tuyển điền kinh Việt Nam về nước sau chiến thắng. Thế nhưng, ngay hôm sau (15-2), cô lại cùng các đồng đội ra sân tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội tập luyện luôn chứ không nghỉ ngơi. “Tập luyện đã là công việc thường xuyên, bắt buộc và không nên nghỉ ngơi sau một cuộc tranh tài, vì phía trước còn rất nhiều giải đấu đang đợi. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới người hâm mộ đã cổ vũ và động viên mọi người khi theo dõi qua truyền hình giải đấu tại Kazakhstan. Mỗi giải có một ý nghĩa chuyên môn riêng. Tôi có được thành tích này rất vui và đây là thành tích chung của cả đội tuyển. Phía trước tôi vẫn còn một con đường rất dài”, Oanh chia sẻ.
“Thông số thành tích của Oanh rất tốt và thiếu đôi chút nữa là cô chạm đến kỷ lục châu Á trong nhà. Ban huấn luyện đã động viên Oanh rằng đây là sự khởi đầu và mình cứ nỗ lực tiếp tục cho các mục tiêu quan trọng tiếp theo. Tất cả tổ nội dung tập luyện không nghỉ ngơi vì SEA Games 32 và Asiad 19 đã cận kề rồi”, HLV Trần Văn Sỹ của đội tuyển điền kinh Việt Nam cho hay.
Thời tiết Hà Nội mấy hôm nay bỗng chuyển lạnh, nhưng dường như điều đó không thể níu bước chân của Nguyễn Thị Oanh. Ngoài vai trò tuyển thủ quốc gia, cô còn có trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển điền kinh tới đây thi đấu ở SEA Games 32 trên đất Campuchia, và xa hơn là hoàn thành giấc mơ giành HCV ở đấu trường Asiad 2023 ở Hàng Châu (Trung Quốc), để có thể bổ sung cho bộ sưu tập “vàng” của mình một chiến tích ấn tượng khác nữa.
Cô gái “Ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh không chỉ chinh phục đường đua bằng ý chí, khát vọng sống của mình, mà còn chinh phục người hâm mộ bằng trái tim quả cảm, bằng tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo Việt Nam. Oanh bảo: “Điền kinh là máu thịt của tôi, đem đến cho tôi một cuộc sống thật đẹp, cho nên tôi sẽ mãi trân trọng, luôn sẵn sàng hy sinh toàn bộ sức lực của mình vì điền kinh Việt Nam, vì thể thao nước nhà”.
Nguyễn Thị Oanh từng tâm sự rằng nếu có một điều ước, cô sẽ luôn ước mình có sức khỏe. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người nên không thể phí phạm nó. Sau mỗi giải đấu, Oanh luôn dành thời gian về quê nhà tại Lạng Giang (Bắc Giang) để được ăn bữa cơm do mẹ nấu và được trò chuyện cùng cha và các anh chị em. Oanh luôn cảm thấy hạnh phúc khi chinh phục được những chướng ngại vật cuộc đời và trong cả thi đấu. Cô cho biết mình có thể kiệt sức, mệt mỏi, gục ngã nhưng khi mọi cố gắng, ý chí được phát huy, sẽ gặt hái được thành tích để tự hào mỗi khi hình ảnh cờ đỏ sao vàng được gắn trên ngực áo của mình.
Nguyễn Thị Oanh sinh ra trong một gia đình thuần nông tại Lạng Giang (Bắc Giang). Dù thể hình nhỏ bé (cao 1,50m) nhưng cô lại đang là một trong những VĐV điền kinh giành nhiều thành tích nhất của đội tuyển điền kinh Việt Nam thời điểm hiện tại. Nguyễn Thị Oanh có ước mơ theo nghiệp giáo viên khi còn nhỏ. Tuy nhiên, cô bắt đầu làm quen với chạy và điền kinh năm 2010 (khi đó 15 tuổi). Năm 2012, Nguyễn Thị Oanh lần đầu được tập trung vào đội tuyển điền kinh quốc gia. Năm 2013, Nguyễn Thị Oanh lần đầu được dự SEA Games tại Myanmar và cô giành HCB nội dung 3.000m chướng ngại vật nữ. Khép lại năm 2022, Oanh còn được bầu là “Công dân ưu tú Bắc Giang”, là “VĐV tiêu biểu Việt Nam năm 2022”. Vinh dự hơn, Nguyễn Thị Oanh đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.