Ở vùng đất mang tên liệt sĩ đầu tiên

Thời gian gần đây, có một địa chỉ “check-in” rất nổi tiếng ở Cao Bằng, được giới trẻ tìm đến, là con đèo 14 tầng có tên gọi Khau Cốc Chà nối từ xã Xuân Trường ra trung tâm huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). 

Vào Google gõ từ khóa “Khau Cốc Chà - Mẻ Pia” (một tên gọi khác của đèo) cho ra gần 2 triệu đơn vị tìm kiếm. Đây cũng là con đèo để vào xã Xuân Trường - cũng là tên gọi một chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã hy sinh tại nơi này.

Liệt sĩ đầu tiên và trận đánh thứ ba

Trong danh sách 34 đội viên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được khắc trên tấm bia ở Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, cái tên Hoàng Văn Nhủng - bí danh Xuân Trường được xếp số 26 theo thứ tự. Sinh ra ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, chàng trai dân tộc Tày Hoàng Văn Nhủng sớm tham gia cách mạng. Giữa năm 1940, Hoàng Văn Nhủng được đưa sang học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) và đầu năm 1944, ông về nước, hoạt động ở vùng Hà Quảng. Tháng 12-1944, ông được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Xã Xuân Trường trước đây (thời Pháp thuộc) có tên là xã Ân Quang, gồm 4 xã: Hồng An, Đồng Mu, Phan Thanh, Khánh Xuân. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp cho xây dựng tại Đồng Mu một đồn khá kiên cố, sẵn sàng ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta và truy lùng, bắt bớ cán bộ hoạt động cách mạng.

Ngày 4-2-1945, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã tấn công đồn Đồng Mu và trong trận chiến đấu này, đồng chí Xuân Trường - Tiểu đội trưởng, chỉ huy một tiểu đội tham gia tấn công, đã anh dũng hy sinh.

Sau khi đồn Đồng Mu bị tiêu diệt, xã Ân Quang được giải phóng. Thể theo nguyện vọng của người dân, xã Ân Quang được mang tên mới là xã Xuân Trường để ghi nhớ công lao của liệt sĩ Xuân Trường, người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Xuân Trường được tách thành 3 xã (Xuân Trường, Khánh Xuân, Phan Thanh). Hòa bình lập lại, xã Xuân Trường lại được chia tách thành 3 xã mới (Xuân Trường, Đồng Mu, Hồng An); đến năm 1981 hợp nhất 2 xã Xuân Trường và Đồng Mu thành xã Xuân Trường cho đến ngày nay.

u5a-6120.jpg
Ngôi mộ gió ghi tên liệt sĩ Xuân Trường ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Tiểu đội trưởng Xuân Trường hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngày 19-8-1961, ông được Thủ tướng Chính phủ công nhận là liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công, và anh chính là liệt sĩ đầu tiên của quân đội ta. Nghĩ về trận đánh Đồng Mu gần 80 năm trước, nhìn cảnh con đèo hun hút “14 tầng” hôm nay, cũng đủ để chúng tôi hình dung ra những gian nan của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân trong trận đánh công đồn ngày ấy.

Thành lập ngày 22-12-1944, ngay sau đó ít ngày, những người lính của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh trận đầu tiên, lấy được đồn Phai Khắt. Sau một ngày đêm hành quân thêm 25km nữa, đội chiếm được đồn Nà Ngần. Hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần đầu tiên ấy đã khiến thanh thế của đội nhanh chóng truyền bá và lực lượng ngày càng được bổ sung, trong đó có đội du kích của chỉ huy Đàm Quang Trung sáp nhập.

Hơn một tháng sau chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, đầu tháng 2-1945 trận đánh thứ ba của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân chính là đồn Đồng Mu - một đồn binh khá hiểm yếu trấn giữ một vùng rộng lớn để khống chế phong trào cách mạng ở các huyện Thông Nông, Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng…

Trận đánh đồn Đồng Mu đã được ghi lại chi tiết trong những dòng “dân sử” của xã: Đêm 4-2-1945 quân ta tổ chức đánh bằng 3 mũi, trong đó có một mũi do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy bí mật luồn sâu áp sát, kết hợp với một số lính đồn đã được ta giác ngộ từ trước, thọc sâu ngay vào đồn.

Trước sự tấn công bất ngờ, bọn lính đồn mở đường máu tháo chạy, một toán lính chui ra theo đường hào, gặp ngay mũi của Đàm Quang Trung bèn hung hăng chống cự, bị đánh bật trở lại. Xuân Trường lúc này là tiểu đội trưởng, lao lên phục kích ở chân tường của ngôi nhà địch vừa tháo lui ẩn nấp. Không ngờ từ trong nhà, nhóm lính này leo lên phía tường cao và phát hiện ra chỗ phục kích của Xuân Trường liền từ trên cao bắn xuống, đồng chí Xuân Trường hy sinh… Trận đánh đồn Đồng Mu đã tiêu diệt 2 lính địch, thu nhiều súng đạn, bên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, người lính hy sinh duy nhất là Xuân Trường, tiểu đội trưởng.

Tên anh đã thành tên xứ sở…

Khi chúng tôi hỏi tìm tư liệu chi tiết về trận đánh đồn Đồng Mu, anh Tô Hữu Quanh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường, chợt nhớ: May quá, hồi tướng Đàm Quang Trung về đây, có kể lại câu chuyện này, anh em có ghi lại và đưa vào địa chí xã, để tôi về tìm cho các anh. Thật bất ngờ, khi vào một xã giáp biên heo hút như thế này lại có những người dân ý thức về “địa phương học” đến vậy. Tập địa chí xã Xuân Trường chỉ dày đúng 20 trang A4, nhưng vô cùng sinh động.

Sau đó, cán bộ địa phương dẫn chúng tôi tìm kiếm những chứng nhân của các trận đánh nói trên, nhưng không hề dễ. Khi tìm đến một trong những người già nhất bản là cụ Tô Văn Tiên thì mới hay cụ vừa mất. Trong tư liệu của mình về Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân khu vực Cao Bằng, mỗi chuyến đi chúng tôi đều tranh thủ thu thập tư liệu, bởi có khi năm sau trở lại, các chứng nhân tuổi 80-90 đã không còn nữa!

Hôm từ Di tích lịch sử quốc gia đồn Đồng Mu xuống bản Nà Đoỏng, chúng tôi may mắn còn gặp được cụ Tô Đức Ninh tuổi đã ngoài 90. Nghe chúng tôi hỏi chuyện về trận đánh Đồng Mu năm xưa, cụ vội nói một tràng tiếng Tày với vợ - cụ bà Lánh Thị Sấn. Cụ Sấn kể lại: “Đồn Đồng Mu ta còn nhớ, hàng phiên chợ nó bắt dân mang thịt lợn và rau lên nộp cho nó mà. Ở đó có cái lô cốt bằng đá, đi vào đồn phải qua bót gác, hàng rào vây tre gai rất dày. Khi quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ bên Nguyên Bình qua đánh đồn chỉ ít người dân biết được thôi, lúc đó bí mật mà. Nhưng chiến sĩ Xuân Trường hy sinh thì dân Đồng Mu ai cũng biết hết vì lấy tên đặt cho xã ta…”.

Câu chuyện về trận đánh đồn năm xưa đã được hai vợ chồng già ở bản Nà Đoỏng chắp nối hồi ức chập chùng như thế. Và với sự hy sinh ấy, Xuân Trường đã ghi tên mình vào lịch sử: Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau trận đánh, anh em đồng đội chôn cất liệt sĩ Xuân Trường tại cánh đồng ngay dưới chân đồn Đồng Mu, và mãi đến sau này, khi xây dựng nghĩa trang huyện Bảo Lạc, phần mộ của liệt sĩ Xuân Trường mới được cất bốc ra nghĩa trang huyện lỵ rồi sau đó thêm một lần nữa di cốt của anh được đưa về quê nhà ở Sóc Hà (Cao Bằng).

Hôm xong việc ở Xuân Trường, chúng tôi trở lại và tìm lên Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bảo Lạc. Ở đó vẫn có một ngôi mộ gió để tên người liệt sĩ số 01 (mặc dù trên bia khắc họ anh là Nông, nhưng chúng tôi căn cứ vào bia di tích của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là họ Hoàng) của Quân đội Nhân dân Việt Nam nằm giản dị như bao nấm mồ người lính khác ở trên ngọn đồi trông xuống toàn cảnh thị trấn Bảo Lạc…

Không chỉ nổi tiếng bởi Di tích lịch sử quốc gia đồn Đồng Mu hay con đèo Khau Cốc Chà 14 tầng, Xuân Trường nhờ vào địa hình là một thung lũng vây quanh bởi các dãy núi đá nên có khí hậu đặc trưng, mát mẻ, khiến nhiều sản phẩm cây trồng ở đây trở thành đặc sản.

Gạo nếp hương Xuân Trường từ lâu đã nổi tiếng ở Cao Bằng. Riêng cây lê trồng trên đất Xuân Trường là giống lê thơm ngon nổi tiếng được chính quyền địa phương chú trọng phát triển.

Ở Xuân Trường còn có một huyền thoại về một cô giáo người Tày đã đi vào một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Ký: Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi - là cô giáo Tô Thị Rỉnh ở Xuân Trường đã xung phong lên đỉnh núi Nà Pù dạy chữ cho trẻ em người Mông trong bản với tất cả tấm lòng yêu thương tận tụy. Xưởng phim truyện Việt Nam cũng đã xây dựng và cho ra mắt bộ phim Cô giáo vùng cao kể về tấm gương của cô.

Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có lưu giữ 5 hiện vật liên quan đến cô giáo Tô Thị Rỉnh, trong đó có cây đàn tính, chiếc khăn quàng cổ, mũ và dao, rựa mà cô đã dùng mở đường lên núi dạy chữ cho các em.

Tin cùng chuyên mục