Trước đây chỉ có một bãi nhưng đầu năm 2020 có thêm 3 bãi mới kéo dài hàng chục mét, đất đá chất cao ngang đầu người. Mỗi ngày, xe chở xà bần từ các nơi dồn về tập kết, rồi vận chuyển đi san lấp tấp nập, gây ô nhiễm.
Các điểm kinh doanh xà bần không chỉ gây cản trở giao thông mà còn gây mất vệ sinh, môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ phát tán nguồn bệnh nguy hiểm. Những ngày nắng nóng, bụi từ các bãi xà bần bay lên mù mịt. Ngày mưa, nước bẩn đen chảy ra đường. Nhiều người dân sống quanh khu vực trên cho biết, nhiều hôm xà bần chở đến bãi tập kết có mùi hôi rất nặng, không thể nào ngủ được.
Qua ghi nhận, xà bần chủ yếu là gạch đá, đất cát từ nhà cửa, nền móng và cả khu vệ sinh của nhà dân, công trình cũ nên chứa nhiều chất bẩn, trong đó có cả nguồn bệnh rất nguy hiểm. Các bãi tập kết xà bần dọc tuyến đường ngày một phình to, bầy hầy và ô nhiễm, trong khi xung quanh là nhiều hàng quán kinh doanh ăn uống nên nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa kể, các bãi chứa xà bần nằm trong khu dân cư đông đúc không chỉ gây cản trở giao thông mà làm ảnh hưởng đến môi trường, phát tán nguồn bệnh lây nhiễm…
Theo Nghị định 38/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu, và Thông tư 08/2017 của Bộ Xây dựng quy định về chất thải rắn, quy trình từ việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển xà bần phải được tuân thủ nghiêm ngặt, có quy hoạch địa điểm cụ thể. Việc kinh doanh, lập bãi chứa xà bần tự phát trong khu dân cư, không có quy hoạch sẽ không đảm bảo kỹ thuật và dễ phát sinh lây lan nguồn bệnh. Để đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người dân, UBND quận Thủ Đức cần sớm kiểm tra, xóa bỏ các bãi xà bần tự phát nói trên.