Theo ông Vũ Viết Thụ (tổ 1, ấp Phong Phú, xã Long Phước), Nhà máy Phát Hưng mặc dù đặt tại địa bàn xã khác nhưng trong quá trình hoạt động luôn gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm hộ dân ấp Phong Phú. Nhà máy thu gom mủ chén từ các địa phương như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Tây Nguyên về chế biến.
Quá trình hoạt động làm mùi hôi thối nồng nặc từ đêm đến sáng; không những vậy, nhiều lần người dân phát hiện nước thải màu đen, bốc mùi hôi chảy vào ruộng. Để né tránh sự giám sát của cơ quan chức năng, nhà máy thường xả thải vào giữa đêm về sáng.
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều lần kiến nghị đến cấp huyện, tỉnh mà vẫn chưa được giải quyết triệt để nên người dân đã kiến nghị lên Bộ TN-MT. Ông Lê Huyện, Trưởng ấp Phong Phú, xã Long Phước, cho biết thời điểm gây ô nhiễm cao nhất là vào mùa khai thác mủ. Tình trạng này diễn ra suốt từ năm 2006 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐND xã Long Phước, thừa nhận có tình trạng ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Phát Hưng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xã Phong Phú trong nhiều năm qua. Từ phản ánh của cử tri, xã đã thành lập đoàn khảo sát khu vực xả thải của nhà máy này và ghi nhận, vào lúc 20 giờ 15 phút ngày 15-3-2017, tại khu vực xả thải bên ngoài nhà máy có một lượng nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu, lưu lượng xả khoảng 5 lít/giây.
Sau đó, đoàn khảo sát đã kiến nghị với cơ quan chức năng, UBND TP Bà Rịa và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng tới không khí mà còn gây lo ngại về chất lượng nước sinh hoạt cho cư dân 2 TP Bà Rịa và Vũng Tàu. Bởi nước thải chảy từ phía sau nhà máy, qua ấp Phong Phú rồi đổ ra sông Dinh - nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 2 TP nói trên.
Ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết Nhà máy Phát Hưng trực thuộc Công ty TNHH MTV Phát Hưng - Tây Ninh, hoạt động từ năm 2006 trong lĩnh vực sơ chế mủ cao su. Năm 2010, doanh nghiệp này đã bị UBND tỉnh ban hành quyết định đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài và không thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục. Năm 2013, Nhà máy Phát Hưng được cấp phép hoạt động trở lại khi đã xây dựng được đề án bảo vệ môi trường.
Mới đây, từ phản ánh liên tiếp của bà con về tình trạng tái ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định lập đoàn thanh tra toàn diện Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng về đất đai, đầu tư, xây dựng, sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quyết định này lại trùng thời điểm với đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường. Do tính chất phức tạp, khiếu kiện kéo dài và đa lĩnh vực, nên tỉnh này đã đề nghị Tổng cục Môi trường dừng công tác thanh tra, giao tỉnh thực hiện thanh tra đột xuất toàn diện nhà máy.