Ngày 25-11, tại diễn đàn "Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam" năm 2019 diễn ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục đo lường chất lượng nêu rõ, thực phẩm và đồ uống là một trong những lĩnh vực tạo ra chất thải nhựa nhiều nhất. Ước tính chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam đã tạo ra 2,25 triệu tấn chất thải nhựa.
Không chỉ có vậy, các nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương và xếp hạng 4 trên toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển. Đồng thời dựa trên các yếu tố về phát triển xã hội hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị ở Việt Nam có thể tăng hơn 40% vào năm 2030.
Đại diện Tổng Cục đo lường chất lượng cũng cho biết, hiện nay trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có hơn 2.000 quy chuẩn chất lượng nhưng thời gian tới, các quy chuẩn này cần phải rà soát và sửa đổi để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hơn nữa, cũng như tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Với tư cách là các tổ chức liên quan chính yếu, có khả năng thực hiện các thay đổi và biến tham vọng thành kết quả, cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam cam kết mạnh mẽ sẽ trở thành những người tiên phong để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam và trên thế giới.
Trong khi đó, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nêu rõ, khi dân số Việt Nam tiếp tục tăng, cùng sự gia tăng về thu nhập, sức mua và nhu cầu đối với những thị trường thực phẩm, đồ uống mới, các vấn đề về tính bền vững, tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng. Các thảo luận trong diễn đàn nhằm thúc đẩy các quy định được cải tiến dựa trên khoa học phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm các sản phẩm thực phẩm và đồ uống an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam cũng như tăng trưởng kinh tế bền vững. Những tiêu chuẩn đó cũng tạo điều kiện cho Việt Nam tăng nhanh xuất khẩu thực phẩm và đồ uống.
Dưới góc độ của một chuyên gia nghiên cứu độc lập, ông Phạm Hoàng Hải cho biết, đến nay thế giới đã sản xuất ra hơn 8,73 tỷ tấn thải nhựa và 50% số nhựa được sản xuất ra với mục đích sử dụng một lần. Đối với Việt Nam dù lượng chất thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm đều tăng lên, nhưng chỉ 50% trong số đó được thu hồi và xử lý nên ô nhiễm rác thải nhựa chỉ đứng sau ô nhiễm khói bụi do phương tiện giao thông thải ra. Vì vậy muốn tái chế rác thải nhựa cần xây dựng thị trường sử dụng rác thải nhựa tái chế, sản xuất được vật liệu có thể tái chế và tổ chức thu gom rác thải nhựa có thể tái chế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, sử dụng nguyên liệu tái chế từ bao bì và giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa là giải pháp để sản xuất và phát triển bền vững nên đã đến lúc các doanh nghiệp không chỉ nghĩ đến kinh doanh đơn thuần mà cần tập trung để tham gia nền kinh tế tuần hoàn, bền vững với hoạt động tái chế rác thải từ bao bì.