Trong số vô vàn các chất gây ô nhiễm nước, WB chỉ ra 3 nhân tố gây ô nhiễm tiêu biểu để nghiên cứu, là nitơ (có nhiều trong phân bón hóa học), tình trạng nước nhiễm mặn và nồng độ ôxy trong nước. Theo tính toán, 1kg nitơ trong phân bón cho 1ha cây trồng sẽ giúp năng suất tăng thêm vài phần trăm, nhưng tỷ lệ chậm phát triển ở trẻ em sẽ tăng thêm 19% và thu nhập của trẻ khi trưởng thành giảm 2%. Lợi nhuận thu về chắc chắn không đủ bù các thiệt hại.
Trong khi đó, tình trạng nước bị nhiễm mặn làm mất đi nguồn lương thực thực phẩm đối với ít nhất 170 triệu người. Ở những khu vực hạ lưu của các con sông bị ô nhiễm nặng, GDP mất 0,8% so với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 2,33%. Ở các quốc gia có thu nhập trung bình, tác động thậm chí còn lớn hơn với GDP mất gần 1/2. Còn ở các nước giàu, GDP mất 0,34%.
Ô nhiễm ni lông hay nhựa là vấn đề chưa được WB kết luận vì thiếu số liệu. Tuy nhiên, hạt vi nhựa tìm thấy trong ít nhất 80% nguồn nước và đến 93% nước đóng chai, đồng nghĩa với việc cư dân các nước giàu cũng dễ dàng là nạn nhân. Theo các chuyên gia, các quốc gia càng giàu có thì càng có nguy cơ là nơi tạo ra nhiều hơn các chất độc. Tại Mỹ chẳng hạn, cứ mỗi ngày lại có thêm 3 loại hóa chất mới được đăng ký, mà rất nhiều trong đó là độc hại. Trên toàn cầu, hơn 80% số lượng nước đã qua sử dụng không được xử lý lại. Tỷ lệ này là 95% đối với các nước đang phát triển.