Theo định hướng Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, thì vào năm 2025 sẽ có khoảng 50% dân số nước ta sống ở các đô thị.
Đô thị hóa nhanh đòi hỏi phát triển xây dựng ngày càng nhiều khu nhà ở và nhà văn phòng; vì vậy, nhà ở và nhà văn phòng cao tầng được phát triển mạnh trong các khu đô thị mới và khu trung tâm thành phố. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Hội Xây dựng và Môi trường Việt Nam, chất lượng không khí ở một số công trình tòa nhà cao tầng, văn phòng làm việc tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ các tiêu chí kỹ thuật, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người lao động làm việc tại đây cũng như năng suất lao động.
Tỷ lệ hạt bụi PM 2.5 và khí SO2, CO2, CO bên trong và khu vực xung tòa nhà, văn phòng thường cao hơn mức cho phép đối với tiêu chuân quốc tế đặt ra. Đây là những khí gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp, hen suyễn... khi chúng ta tiếp xúc liên tục. Bên cạnh đó, các tòa nhà cao tầng thường tiêu thụ nhiều năng lượng, tham gia đáng kể vào việc phát thải khí carbon ra môi trường và gia tăng hiện tượng đảo nhiệt đô thị, làm bề mặt trái đất nóng lên.
Để hạn chế tình trạng này, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng và các chuyên gia kiến nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên - Môi trường cần xây dựng và ban hành quy chuẩn về chất lượng không khí bên trong công trình xây dựng dân dụng nhằm kiểm soát nguồn ô nhiễm không khí, đảm bảo điều kiện tiện nghi môi trường, sức khỏe cho người sống và làm việc bên trong công trình.
Cần bố trí nội thất hợp lý để tận dụng được ánh sáng tự nhiên kết hợp ánh sáng điện; khi thiết kế hệ thống điện chiếu sáng, lưu ý bố trí công tắc sử dụng đèn theo các vị trí để bật tắt dễ dàng và có thể điều chỉnh độ sáng và tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, trong bối cảnh các thành phố lớn xây nhiều cao ốc, văn phòng phải tiến hành quan trắc, đo đạc và đánh giá chất lượng không khí trong nhà định kỳ nhằm tránh ảnh hưởng đáng tiếc đến sức khỏe con người.