Cụ thể là việc chiếu sáng thường xuyên vào ban đêm ở một số khu vực, việc lắp đặt các thiết bị chiếu sáng hoặc tạo ra ánh sáng có màu sắc, cường độ gây chói mắt, gây hiện tượng tăng nhiệt độ cục bộ ở nơi nào đó, hay việc xây dựng bằng các vật liệu có thể gây ra hiện tượng phản quang, oi bức.
Thời gian gần đây, ở các đô thị lớn nước ta, hiện tượng ô nhiễm ánh sáng đã ngày càng được nhắc tới nhiều hơn. Nhiều trường hợp, việc chiếu sáng của hệ thống đèn và bảng quảng cáo gây chói mắt người đi đường. Mới đây, TP Đà Nẵng đã yêu cầu chủ đầu tư 2 công trình cao ốc khắc phục tình trạng phản quang từ kính ốp màu vàng của tòa nhà, do khi có ánh nắng chiếu vào đã trở thành các gương phản chiếu gây chói mắt và oi bức nhiều nhà dân trong khu vực.
Trên thực tế, việc xử lý các vi phạm liên quan đến ô nhiễm ánh sáng còn rất ít. Các quy định về việc xử phạt hành vi gây ô nhiễm ánh sáng cũng chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ ánh sáng ở cường độ nào, màu sắc như thế nào và thời gian chiếu ánh sáng đó trong bao lâu thì bị coi là ô nhiễm. Cũng chưa có quy định thiết bị, phương tiện đo ánh sáng được sử dụng như thế nào để bảo đảm đúng quy chuẩn và phù hợp với điều kiện thực tiễn (khí hậu, thời tiết, mật độ giao thông…) ở Việt Nam.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa có quy định xử phạt các trường hợp lắp đặt đèn đúng vị trí trên xe nhưng có ánh sáng gây nguy hiểm cho người đi đường.
Trong việc xử lý 2 cao ốc ở Đà Nẵng gây ô nhiễm ánh sáng, cũng chỉ mới dừng lại ở việc xử phạt hành vi xây lắp sai thiết kế chứ không xử phạt hành vi gây ô nhiễm ánh sáng. Thực tế hiện nay, việc ốp kính ở các tòa nhà cao tầng dù đúng quy cách vẫn có thể gây ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng với các mức độ khác nhau, nhưng việc xử phạt gần như chưa từng được thực hiện.
Hiện nay, ở nước ta, nạn ô nhiễm ánh sáng chưa được đề cập nhiều trong hoạt động phòng chống ô nhiễm môi trường sống. Cần khuyến cáo các chủ đầu tư khi xây dựng công trình cao tầng phải bảo đảm hạn chế ô nhiễm ánh sáng; đồng thời cần có các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính hành vi gây ô nhiễm ánh sáng, xác định rõ mức độ vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Thực hiện việc kiểm tra, xử lý thường xuyên, nhất là ở các đô thị lớn, để góp phần bảo đảm môi trường sống lành mạnh, an toàn.