1. Dịch Covid-19 lại bùng phát, TPHCM phát đi thông báo yêu cầu các trường học tạm ngưng hoạt động từ ngày 10-5 đến khi có thông báo mới. Phải nói, lúc đó tôi hoang mang thực sự. Dù đây là đợt dịch thứ 4 và các trường học tại TPHCM đã phải ngưng tiếp nhận học sinh nhiều lần.
Song, các lần trước đó, tôi có bà ngoại phụ trông bé nên không có vấn đề gì. Còn bình thường, con đi học từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần; chủ nhật nghỉ ở nhà thì sinh hoạt cũng thất thường, trên tinh thần “có ngày cuối tuần cho con “xõa”, muốn ăn lúc nào thì ăn, muốn ngủ lúc nào thì ngủ”.
Nghỉ để phòng chống dịch đợt này, bà ngoại về quê, tôi được cơ quan tạo điều kiện làm việc ở nhà, nhưng dù gì vẫn phải làm việc. Một mẹ, một con, tôi phát sốt nghĩ đến cảnh cả ngày cơm nước, chơi với con rồi dọn dẹp các kiểu.
Mấy ngày đầu ở nhà, thời gian trôi đi trong khủng hoảng của hai mẹ con. Con nhếch nhác, khóc lóc cả ngày, mẹ cũng khóc. Từ 6 giờ sáng đến khuya, tôi lăn lộn với các bữa ăn chính, ăn xế, uống sữa của con, rồi tắm rửa, ru con ngủ...
Đến nỗi, tôi không có thời gian ăn chứ nói chi đến thời gian để mở máy làm việc. Tới khuya cho con đi ngủ, tôi cũng mệt nhoài, mắt mở không nổi. Ngày khóc nhiều, đêm con trẻ thường hay giật mình. Những cú giật mình khóc thét của con vào ban đêm, sự ngột ngạt khi phải ở nhà của một đứa “chân chạy” như cú nhồi khiến tôi bị stress nặng.
Mất 4 ngày đầu như thế, tôi quyết định thiết lập lại tình hình. Hôm sau, tôi nhờ hàng xóm trông giúp con buổi sáng để có thời gian thong thả tắm gội, ngủ một giấc thật sâu. Tỉnh táo hơn, tôi bắt đầu ghi lại thói quen ăn uống, lịch sinh hoạt của con với quyết tâm đưa cả mẹ và con vào khuôn khổ. Được mấy ngày “xõa” nên ban đầu cu cậu cũng không hợp tác, tôi quyết làm lơ, chiếu theo lịch đã lên mà làm, chỗ nào con không hợp tác thì bỏ, hôm sau làm lại. Ngày thứ 5, 6 và những ngày sau, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo.
2. Trước đây, tôi cũng tất bật mỗi ngày. Sáng ra quơ quào qua loa công chuyện nhà, gọi con dậy vệ sinh cá nhân rồi chở con tới trường. Sau đó, tôi phóng như bay đến nơi làm việc. Thú thực, nhiều hôm không kịp chải đầu.
Song, những ngày ấy, tôi vẫn có chút thời gian ít ỏi dành cho bản thân, nhất là vào lúc công việc không quá nhiều. Con đi học, mẹ đi làm, đồng nghĩa với tôi ít có thời gian gần con, mẹ con chỉ chơi với nhau một lúc là đến giờ con đi ngủ. Con thích ăn gì, những biểu hiện mới, thói quen mới của con…, hầu như tôi chỉ biết qua cô giáo.
Đợt nghỉ dịch này tương đối dài và là điều không ai mong muốn, nhưng cũng là cơ hội để những phụ huynh như tôi gần con nhiều hơn. Tôi bỏ lỡ bước đi đầu đời của con, nhưng may mắn được trải nghiệm từ ngày đầu tiên con nói.
Tôi kiên trì dạy con từng từ, dạy con cách thể hiện tình cảm cũng như nhiều điều mới mẻ khác. Tuy hơi sến nhưng phải thừa nhận, niềm hạnh phúc ấy đã tiếp thêm cho mẹ con tôi rất nhiều động lực để biến mỗi ngày bên nhau thành những ngày vui vẻ, đáng nhớ.
Khi sinh hoạt của hai mẹ con đi vào quỹ đạo, tôi có thời gian dành cho công việc, có thời gian nghỉ ngơi và thi thoảng còn có tâm trạng dắt con đi dạo gần nhà cho thoáng. Cu cậu cũng dần thích nghi với thói quen mới và khá hợp tác với mẹ. Trộm vía, nhìn con mạnh khỏe, vui vẻ hơn, tôi cũng có thêm động lực vượt qua những ngày dịch bệnh.
Nghĩ lại, sự xáo trộn ban đầu có lẽ một phần do tâm lý từ tôi. Tôi mất ăn, mất ngủ vì lo lắng mấy ngày, liên tục hỏi mình có làm được không, nhưng lại không nghiêm túc tìm giải pháp tối ưu mà mặc cho mọi sự diễn ra thế nào thì đón nhận và xử lý theo thế đó.
Giá như thời gian ấy, tôi dành thời gian để lên kế hoạch, vạch ra thời gian biểu cho cả hai, tìm hiểu thêm kinh nghiệm của các bà mẹ khác, hoặc chí ít, tôi đón nó với tâm thế sẵn sàng, thì có lẽ ngay từ những ngày đầu giãn cách, mẹ con tôi đã có những trải nghiệm thú vị.