Ý thức được điều này, lãnh đạo các phường xã tại TPHCM đã dành toàn bộ thời gian để giải quyết mọi việc mà người dân yêu cầu. Tuy nhiên, có nhiều nơi làm tốt và vẫn có nơi chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Dân gọi là có mặt
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Bình Thạnh, ngay từ khi UBND TPHCM công bố thực hiện giãn cách xã hội, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ phường 7 đã họp bầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và ra quy chế hoạt động. “Chúng tôi ý thức được rằng cuộc sống của người dân sẽ có một số khó khăn nhất định. Do vậy, dù chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng, phân công từng phần việc rất cụ thể nhưng mỗi cán bộ vẫn phải kè kè xem điện thoại cá nhân để nhận thông tin, ý kiến của người dân và phải lập tức tiếp thu, triển khai liền”, ông Lĩnh chia sẻ.
Chính nhờ sự quyết liệt như vậy, mà nhiều ca cấp cứu do mắc Covid-19 trên địa bàn phường 7 đã được địa phương hỗ trợ ngay tức thời. Khi có cuộc gọi, ban chỉ đạo phòng chống dịch của phường điện thoại ngay cho lực lượng ứng trực để triển khai sơ cấp cứu hay chuyển viện, kể cả nhờ sự chi viện của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu… đứng chân trên địa bàn. Ông Lĩnh cho biết thêm: “Mỗi phường được quận hỗ trợ 1 xe bán tải, thêm một số phương tiện khác của tình nguyện viên. Các phương tiện này được sử dụng khá hiệu quả và cơ động trong vận chuyển rau củ quả và hàng hóa thiết yếu… từ điểm trung chuyển về tận nhà dân. Nói chung, ở đâu dân khó, ở đó có cán bộ phường”.
Để chăm lo các mặt đời sống cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, chính quyền địa phương cơ sở đã ứng trực tại cơ quan để điều hành mọi công việc. Hầu hết cán bộ phường xã đều làm việc thông tầm, không có ngày nghỉ. Nói như Chủ tịch UBND phường 19, quận Bình Thạnh Bùi Thị Hồng Quế, là anh em cán bộ ở phường làm hết việc chứ không hết giờ, có khi phải làm thâu đêm suốt sáng. “Khi địa phương trở thành đầu mối tiếp nhận lương thực, thực phẩm của nhà hảo tâm, công việc phân chia được triển khai ngay, kể cả ban đêm. Và cán bộ phường len lỏi đến nhà từng hộ dân để trao rau, củ, trứng, gạo… suốt thời gian qua là chuyện bình thường”, bà Hồng Quế tâm sự.
Cần kịp thời hỗ trợ
Thời gian qua, bên cạnh hầu hết phường xã làm tốt công tác phòng chống dịch, chăm lo đời sống kịp thời cho dân, thì vẫn còn số ít địa phương chưa làm tốt. Điển hình là một số địa phương còn triển khai rất chậm chi trả hỗ trợ của Chính phủ, của thành phố cũng như chậm tiếp ứng các nhu cầu thiết yếu cho người dân. Bà Đinh Thị Hường, ngụ tại số 47/3 hẻm 325, tổ dân phố 23, khu phố 2 (phường Tân Thới Nhất, quận 12), cho biết: “Trước đây tôi làm công tác xã hội ở Thành đoàn, sau đó về địa phương dạy học. Thời gian qua, do dịch bệnh tôi không còn dạy thêm được nữa, thu nhập không có nên đời sống khó khăn. Tôi đã đăng ký nhận hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn không biết hồ sơ của mình có được giải quyết không”.
Tương tự, đến nay nhiều hộ dân ở hẻm 75, nhánh 3, Đường 48, tổ dân phố 43B, khu phố 6 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ khó khăn của Chính phủ, của thành phố. Bà Trương Thị Nữ, nhà ở hẻm 75, cho biết: “Thành phố thực hiện giãn cách, đường hẻm bị phong tỏa. Chúng tôi không thể đi mua lương thực thực phẩm. Cả thời gian dài không được chính quyền địa phương quan tâm, chúng tôi phải ăn mì gói cầm cự qua ngày”. Theo bà Nữ, thời gian qua, người dân phải tự vận động tìm các nguồn hỗ trợ từ nhà hảo tâm để đỡ đần cho các hộ dân đang gặp khó khăn.
Trong hoàn cảnh tương tự, hơn 20 hộ nghèo, có người là lao động tự do, thất nghiệp trong mùa dịch ở hẻm 36 Mễ Cốc, phường 15, quận 8 đang trông chờ sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp. Ông Lê Đình Chí, cư dân hẻm 36 Mễ Cốc cho biết: “Thời gian qua, tổ trưởng không lập danh sách, do đó các hộ dân khó khăn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Cách đây mấy ngày, chúng tôi được các cô chú ở phường 15, quận 8 đem gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói, nước tương đến tận nhà trao. Chấp hành tốt quy định giãn cách xã hội, chúng tôi không ra đường mua thịt, cá… Nhưng thú thật, có được đi thì nhiều hộ cũng không còn tiền để mua sắm”.
Thực tế là chính quyền các cấp đang nỗ lực hết sức để sớm đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo đời sống an sinh cho người dân khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó ở một số địa phương, người khó khăn vẫn chưa được quan tâm kịp thời, đầy đủ. Qua phản ánh của người dân cho thấy, còn một bộ phận công nhân, người lao động tự do trong các khu nhà trọ đang gặp khó khăn, nhưng lại không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ. Trong khi họ không có việc làm, không có thu nhập khác, cuộc sống đang khốn khó. Do vậy, chính quyền cơ sở cần sâu sát hơn, kịp thời bổ sung, tránh sót lọt để trong thời gian ngắn nhất, người dân chưa được hỗ trợ sẽ nhanh chóng nhận được hỗ trợ, phần nào an tâm phòng chống dịch bệnh.