Tại Hội nghị sơ kết tình hình chăn nuôi – cung ứng thực phẩm cả nước trong 6 tháng đầu năm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm, tổ chức ngày 17-7, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết: Trong các tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã chi tới 8 triệu USD để nhập hàng trăm ngàn con heo giống từ nước ngoài về Việt Nam (tăng hơn 32% so với năm ngoái)
Theo Cục Chăn nuôi, kể từ khi dịch tả heo châu Phi được kiểm soát đến nay, thị trường không chỉ thiếu lượng lớn heo hơi, thịt heo (khiến giá cả leo thang) mà còn thiếu trầm trọng cả nguồn heo giống (do giá đắt nên người dân trên cả nước không thể tái đàn).
Do khan nguồn, heo nái bị chết nhiều vì dịch nên ở nhiều nơi, giá heo giống để sinh sản, có trọng lượng chỉ 7-10kg/con, có giá lên tới 2,7 - 3 triệu đồng/con.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu heo giống sinh sản, hóa giải ngay bài toán phục hồi - tái đàn, Bộ NN-PTNT đã cho phép các doanh nghiệp nhập heo giống từ nước ngoài về.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp cả nước đã nhập khẩu 11.411 con heo giống các loại (tăng 32,6 lần so cùng kỳ 2019), trị giá gần 8,1 triệu USD (tăng 15,3 lần).
Heo giống nhập khẩu từ Thái Lan (chiếm 50,6%), Canada (33,2%), Hoa Kỳ (15,8%) và Đài Loan (0,4%). Heo nhập chủ yếu qua các cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị (chiếm 50,6%), sân bay Tân Sơn Nhất (38,8%) và sân bay Nội Bài (10,6%).
Giá heo giống nhập khẩu bình quân đạt 707 USD/con, giảm 52,9% (tương đương giảm 795,1 USD/con). Có sự chênh lệch giá heo giống nhập khẩu từ các thị trường. Cao nhất là Đài Loan (4,420 USD/con), kế đến là Canada (1.036 USD/con), Hoa Kỳ (792 USD/con), thấp nhất là Thái Lan (436 USD/con).
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá heo giống nhập khẩu từ Thái Lan chỉ bằng 62% so với giá bình quân chung của các thị trường, bằng 10% so với giá heo giống nhập từ Đài Loan và bằng 42% so với giá heo giống nhập từ Canada.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự khác biệt về phẩm cấp giống. Các doanh nghiệp nhập khẩu heo giống bố mẹ, ông bà thì từ các nước khác, còn với heo nái lai F1 (Yorkshire X Landrace) thì lại nhập từ Thái Lan. Việc nhập khẩu lượng lớn heo nái lai F1 từ Thái Lan nhằm giải quyết nhanh bài toán tăng đàn trong thời gian ngắn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với mặt bằng giá heo hơi hiện nay thì năng suất sinh sản của đàn nái nhập khẩu từ Thái Lan nếu thấp, chỉ bằng 50% so với nái nhập từ các nước khác thì vẫn sinh lãi. Trong khi đó, thời gian khai thác từ đàn nái lai ngắn. Song về lâu dài, nếu giá heo trên thị trường giảm thì lại không có lãi nữa.
Về tình hình nguồn cung thực phẩm hiện nay, Bộ NN-PTNT cho biết, đáng mừng là nhiều loại thịt đang tăng mạnh về sản lượng. Cụ thể, trong 6 tháng qua, sản lượng thịt bò đạt 187.500 tấn, tăng 4,1%; trứng đạt 7,22 tỷ quả, tăng 11%; sữa bò tươi đạt 522.200 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, tổng đàn gia cầm tăng 7,4%; đàn bò tăng 3,4%. Mặc dù đàn heo giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng so với thời điểm đầu năm 2020 đã tăng gần 700.000 con (hiện tổng đàn heo đạt khoảng 23 triệu con).
Để tiếp tục kìm giá heo trên thị trường, Cục Chăn nuôi đề nghị Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn hàng bảo đảm nhập khẩu thịt từ các quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN-PTNT tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được heo sống về giết mổ ngay từ các nước lân cận để giảm ngay áp lực cho nguồn cung.