Vừa qua, dư luận rất bức xúc trước tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK), NXBGD kêu hàng năm phải bù lỗ 40 tỷ đồng cho việc in ấn, xuất bản, phát hành SGK nhưng lại chi tới 250 tỷ đồng chiết khấu trong phát hành SGK… Trước các bức xúc này của dư luận, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có báo cáo về việc xuất bản, phát hành SGK giai đoạn 2012 -2017.
Bộ GD-ĐT cho rằng, SGK là mặt hàng được quản lý giá bởi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều nhưng giá SGK vẫn giữ nguyên. NXBGD đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành SGK thông qua các công ty cổ phần về thực chất là lựa chọn những công ty đủ mạnh, có khả năng in sách giáo khoa với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành SGK ở các địa phương để giảm chi phí vận chuyển (sách in ở khu vực nào cung cấp cho khu vực đó, không phải "chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương" như dư luận phản ánh); bảo đảm không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường.
Về việc chiết khấu phát hành SGK, theo báo cáo của NXBGD, việc phát hành SGK thông qua hệ thống các công ty sách - thiết bị trường học, các đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXBGD phải tự hạch toán, tự cân đối, hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra NXBGD còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này.
Tương tự, toàn bộ các công ty sách - thiết bị trương học, các đối tác phát hành, các đại lý, cửa hàng bán lẻ... phải tự hạch toán, tự cân đối, không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong việc phát hành SGK. SGK cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây là phần phí phát hành mà các cấp đại lý trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho rằng, mức chiết khấu (phí phát hành) đối với SGK hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các NXB (35% - 40%). Hơn nữa, giá SGK hiện ở mức thấp, chỉ bằng 30 - 40% đối với giá của các loại sách khác (có cùng số trang), giá trị thu được sau khi phát hành SGK càng nhỏ, phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng... nên các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành SGK.
“Để kìm giữ được giá SGK như hiện nay đồng thời giảm bớt việc phải bù đắp khoản lỗ trong việc in và phát hành SGK, trong 16 năm qua, NXBGD đã nỗ lực tìm phương án thuyết phục các công ty sách thiết bị trường học đồng thuận, cùng chia sẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành để giảm dần chiết khấu đối với SGK”, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Cụ thể, trước năm 2008, mức chiết khấu SGK được áp dụng từ 21% đến 34% tùy theo địa bàn có khó khăn về điều kiện đường xá (đồng bằng, biên giới, hải đảo); phương tiện vận chuyển (ô tô, xe thồ, xe ngựa). Năm 2008, điều chỉnh chiếu khấu phát hành SGK giảm xuống từ 20% đến 27%. Năm 2010, khi giá vật tư (giấy in) và công in tăng cao, NXBGD buộc phải áp dụng chung mức chiết khấu chung (20%) đối với tất cả các đối tác. Mức chiết khấu phát hành SGK (18-20%) như hiện nay là một khó khăn rất lớn đối với các công ty sách thiết bị trường học, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Các đối tác phát hành, các câu lạc bộ công ty sách ở các miền đã nhiều lần kiến nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển, tuy nhiên do vẫn bù lỗ 40 tỷ đồng/năm nên NXBGD chưa đáp ứng.
“Trong nhiều năm qua, NXBGD luôn cố gắng vì lợi ích của học sinh, vì nhiệm vụ của ngành cung ứng đầy đủ đồng bộ kịp thời những cuốn SGK với giá bán thấp nhất tới học sinh trên mọi vùng miền của tổ quốc, không để học sinh phải bỏ học vì thiếu SGK”, Bộ GD-ĐT khẳng định.