Khóa tập huấn năm nay có sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Việt trở về từ 9 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh tọa đàm “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài” với diễn giả chính là TS Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ sách Chào tiếng Việt, trong ngày 5 và 6, các giảng viên của Trung tâm Công nghệ giáo dục – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tham gia tập huấn cho giáo viên với hai chủ đề: "Cách dựng hình tượng văn" và "Kỹ năng tổ chức trò chơi trong giáo dục".
Đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ các giáo viên nâng cao nghiệp vụ sư phạm, qua đó lan tỏa tình yêu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đến thế hệ trẻ xa xứ.
Trong buổi tập huấn với chủ đề "Cách dựng hình tượng văn", các giáo viên đã được học cách hướng dẫn học sinh dựng hình tượng văn từ các thể loại như đồng dao, ca dao, thơ... và chia nhóm thực hành giảng dạy tại lớp. Trong phần thực hành, các giáo viên đã tự mình tạo ra được nhiều bài đồng dao thú vị.
Với chủ đề "Lý thuyết và thực hành tổ chức trò chơi trong giáo dục", các giáo viên được hướng dẫn cách sử dụng trò chơi như một công cụ giáo dục hiệu quả, nhấn mạnh trò chơi trong giáo dục không chỉ có tác dụng khởi động, dẫn dắt vào hoạt động học, mà còn có nhiều ý nghĩa khi người dạy vận dụng đúng mục đích như: rèn luyện kỹ năng phản xạ, tư duy, vận động; gắn kết tinh thần đồng đội…
Một nội dung rất thú vị của buổi học là các giáo viên chia nhóm, thực hành trò chơi ghép tranh, thuyết trình về món ăn và địa danh nổi tiếng của Việt Nam như: hồ Hoàn Kiếm, vịnh Hạ Long, phở, bánh mì, bún đậu mắm tôm, tình yêu dành cho bánh mì Việt Nam.
Kết thúc chương trình, các giáo viên bày tỏ lòng cảm kích về khóa tập huấn ý nghĩa và bổ ích, góp phần mang lại trải nghiệm học tập tốt hơn cho học sinh, đồng thời truyền tải hiệu quả văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, thắt chặt mối quan hệ giữa các giáo viên người Việt trên toàn thế giới.