“Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao các quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và các chương trình hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về tài chính, chuyển giao công nghệ mà nhiều thành viên ASEM đã dành cho Việt Nam. Các chương trình này đã hỗ trợ Việt Nam một cách thiết thực trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực giám sát và thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn lan rộng ở hạ lưu sông Mekong, đồng thời nâng cao khả năng đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định tại hội nghị ASEM “Về cùng hành động ứng phó BĐKH, nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - định hướng tương lai”, vừa diễn ra tại Cần Thơ.
Hội nghị khép lại với sự thống nhất nhiều giải pháp tăng cường phối hợp hành động trong ASEM. Nổi bật là thúc đẩy đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; thỏa thuận Paris về BĐKH; xác định cách tiếp cận tổng thể; thống nhất trong nhận thức và hành động để gắn vấn đề ứng phó BĐKH với phát triển bền vững; tăng cường gắn kết các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM; đẩy mạnh hợp tác về dự báo, đánh giá tác động, dự báo rủi ro, nâng cao năng lực, tăng cường quan hệ đối tác nhiều bên, thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các chương trình đối tác công - tư…
Các thành viên ASEM cũng nhất trí tiếp tục hỗ trợ các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về BĐKH, đặc biệt về hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ xanh, sạch, tăng cường hợp tác ASEM về giảm chất thải nhựa ra đại dương và ủng hộ các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này. Các đại biểu đến từ Phần Lan, Hà Lan, Italia đánh giá cao các ý tưởng, sáng kiến tại hội nghị.
Không phải ngẫu nhiên mà hội nghị ASEM lần này được tổ chức tại Cần Thơ - đô thị trung tâm của ĐBSCL. Trong 5 năm trở lại đây, BĐKH đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ĐBSCL. Hết mưa lũ đến hạn hán, xâm nhập mặn, sụp lún, sạt lở… là các vấn đề đe dọa đến đời sống an sinh của hàng triệu người dân tại đây.
“Năm 2016, hạn hán nghiêm trọng, nước mặn xâm nhập sâu, khiến 11/13 tỉnh ĐBSCL buộc phải công bố tình trạng thiên tai. Theo kịch bản BĐKH, đến năm 2100, nước biển có thể dâng lên 1m làm ngập nhiều khu vực ven biển Việt Nam và gây ngập vĩnh viễn diện tích ĐBSCL. Sự trù phú và phát triển của ĐBSCL và sông Mê Công đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn từ mối đe dọa của BĐKH” - Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành nhận định.
Để ứng phó, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách giải pháp cấp chiến lược quốc gia. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình dự án ứng phó với nguồn lực chính phủ, của các địa phương, sự hỗ trợ quốc tế, sự tham gia cộng đồng và doanh nghiệp. Đây là những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam.
Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã đầu tư 18.623 tỷ đồng thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH phù hợp với từng vùng, địa phương chịu nhiều tác động của BĐKH. Trong đó, khu vực ĐBSCL 6.760 tỷ đồng; các tỉnh ven biển 5.324 tỷ đồng để trồng rừng ngập mặn ven biển, nâng cấp hệ thống kiểm soát mặn, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu… nâng cấp hệ thống lưu trữ và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, xây dựng các kè chống sạt lở…
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, những nỗ lực này là chưa đủ để giải quyết BĐKH, mà cần sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội, thực hiện ở nhiều cấp độ. Đây là trách nhiệm cũng như cơ hội để phát triển bền vững. Nhiều kinh nghiệm thực tiễn, điển hình hay của các thành viên Á - Âu được chia sẻ tại hội nghị, nhất là trong phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH, bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, phát triển cơ sở hạ tầng ứng phó BĐKH...
Nhiều thành viên ASEM đánh giá cao nỗ lực và nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là 13 tỉnh ĐBSCL, nhằm phát triển bền vững thích ứng với BĐKH. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến việc tăng cường ý thức của cộng đồng - đặc biệt là giới trẻ trong tư duy và hành xử có trách nhiệm với môi trường.
Đồng thời, ĐBSCL cần áp dụng các giải pháp thích ứng với BĐKH linh động, mềm dẻo theo hướng hạn chế các công trình lớn (tránh hối tiếc); phát huy vai trò cộng đồng như trồng cây ven biển chống sạt lở, sử dụng các loại cây trồng thích nghi với BĐKH. Đặc biệt là chú trọng lồng ghép thích ứng BĐKH, các mục tiêu phát triển bền vững vào các ngành, chương trình; hành động giảm gây ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa tăng trưởng xanh…