Nơi đây đang quy tụ những chiến mã một thời vang bóng của Trường đua Phú Thọ, TPHCM và từ trang trại này đã cho ra lò nhiều tuấn mã mới.
Trang trại hiện đại của người mê ngựa
Ông Nguyễn Hồng Đức, sinh năm 1959, Chủ tịch HĐQT một công ty xuất nhập khẩu là chủ trang trại ngựa Kim Mã. Do ông bận công tác, nên Võ Hiệp Phố kỹ sư chăn nuôi ngựa của trang trại hướng dẫn chúng tôi tham quan. Đó là một trang trại rộng 5,5ha được xây tường rào và cổng kiên cố, trên trụ cổng rào có gắn bảng: Trang trại chăn nuôi và bảo tồn ngựa giống Hưng Thuận, Trảng Bàng…
Dãy chuồng ngựa được xây cất bài bản, bên trong có hàng chục chú ngựa cao lớn, mỗi chuồng có gắn quạt máy, những ngày nắng nóng, trên nóc chuồng còn có hệ thống xả nước để làm mát… Ở khu vực nuôi thả có những hàng cây xanh rợp mát. Khu chuồng ngựa rộng khoảng 1ha, được bao bọc bằng hàng rào sắt và được chia thành nhiều ô khác nhau, mỗi ô có từ 5 - 7 chú ngựa. Những con ngựa đang mang bầu và ngựa nái vừa mới sinh con được nhân viên dẫn vào chuồng cho ăn uống chế độ riêng. Phía sau hai khu nuôi ngựa là khu tập thể lực cho ngựa, được thiết kế một khung sắt tròn, chia ra thành nhiều “chuồng”, mỗi “chuồng” nhốt một chú ngựa. Khu tập thể lực này được điều khiển bằng mô tơ, khi mở điện lên, toàn bộ khung sắt quay vòng tròn, các chú ngựa trong chuồng phải chạy theo. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều khu nuôi khác chuyên dành cho ngựa đực hoặc ngựa cái...
Nơi bảo tồn nguồn gien quý
Theo lời của anh Phố, tháng 6-2011, khi Trường đua ngựa Phú Thọ đóng cửa, nhiều người chuyên nuôi ngựa đua ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) và Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) bán ngựa, giải nghệ. Thậm chí, có người còn đem ngựa của mình vào lò mổ để bán thịt. Tiếc thương những giống ngựa quý, ông Đức lặn lội tìm mua những chú ngựa từng có tên tuổi ở trường đua đem về nuôi nấng. “Ban đầu, ông chỉ mua vài ba con về nuôi. Sau đó, các lò mổ biết ý, hễ thấy có ngựa tốt là gọi điện thoại kêu ông đến mua”, anh nói. Cứ như thế, từ vài ba con ngựa ban đầu, dần dần đàn ngựa của ông tăng lên 10, 12 con. Cộng với ngựa mẹ đẻ ngựa con, đến nay đàn ngựa của ông Đức lên đến gần 60 con. Hiện nay, ông đang xúc tiến thành lập dự án chăn nuôi ngựa để bảo tồn và nhân giống ngựa đua tại huyện Trảng Bàng. Dự án đang trong giai đoạn chờ UBND huyện Trảng Bàng phê duyệt.
Trang trại nuôi ngựa đua của ông Đức có 10 nhân công và 1 kỹ sư chuyên trách chăm sóc và nhân giống ngựa đua. Nói về cách chăn nuôi ngựa đua, anh Phố cho biết, nuôi một con ngựa rất cực công, từ sáng sớm người chăm sóc phải dậy để chăn dắt ngựa phơi sương, sau đó phơi nắng, cho ngựa ăn, uống nước. Mỗi ngày tắm cho ngựa 3 lần. Bất kỳ biểu hiện nào bất ổn về sức khỏe phải được báo cáo nhanh để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi ngày ngựa đều được vận động ít nhất 1 giờ để giữ gìn thể hình đẹp và có sức bền. Anh chia sẻ thêm: “Khi ngựa được 2-3 tuổi, chúng tôi mời chuyên gia đến trang trại để huấn luyện ngựa đua theo chế độ đặc biệt. Thông thường, thời gian huấn luyện kéo dài trong khoảng 1 tháng, mỗi chú ngựa phải nuôi từ 3-4 năm mới bắt đầu cho ra trường đua thi đấu. Tuy nhiên, không phải ngựa nào cũng đua giỏi. Để có một chiến mã, trang trại phải tuyển những con ngựa cha và ngựa mẹ từng có thành tích tốt trong trường đua, sau đó cho phối giống để cho ra thế hệ ngựa con có gien đua giỏi”.
Với cách làm như thế, những năm qua, nơi đây đã cho “ra lò” nhiều chiến mã mới. Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) tổ chức đua ngựa, trang trại của ông Đức tuyển chọn một chú ngựa “made in” Trảng Bàng đua thử. Mặc dù là lần đầu tiên “xuất trận”, nhưng chú ngựa non của ông Đức đã đạt giải tư.
Ngoài việc thành lập trang trại để bảo tồn nguồn gien ngựa đua quý hiếm, ông Đức còn có dự án đầu tư xây dựng cạnh trang trại của mình một trường đua ngựa. Lúc đó, những chú ngựa đang nuôi trong trang trại của ông sẽ có đấu trường để thi thố tài năng.