“Nuôi heo trên nền đệm lót sinh học tiết kiệm 60% chi phí lao động, 10% chi phí thức ăn, giúp heo giảm tỷ lệ mắc các bệnh đường ruột, hô hấp và hạn chế ô nhiễm môi trường rất cao”. Đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tới (ngụ số 43 Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM) - người có hơn 10 năm nuôi heo trang trại và là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học do Trung tâm Khuyến nông TPHCM triển khai. Đây cũng là ghi nhận chung của nhiều hộ chăn nuôi heo ở xã Phú Mỹ Hưng khi tham gia mô hình.
Khai thác những ưu điểm của mô hình, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo thịt sử dụng đệm lót sinh học cho 9 nông hộ trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng, với quy mô 90 con/9 hộ (mỗi hộ được hỗ trợ 10 con giống). Mục tiêu hướng tới của mô hình là hỗ trợ và vận động nông dân chuyển đổi từ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, phân tán, năng suất thấp sang hướng chăn nuôi tập trung, cho hiệu quả cao; đồng thời có thể chủ động kiểm soát, khống chế dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng và cung cấp sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thời gian chuyển giao từ tháng 11-2017 đến tháng 3-2018. Qua gần 4 tháng triển khai, đến nay các hộ tham gia đều ghi nhận hiệu quả tích cực của mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học so với nuôi heo thịt truyền thống. Về hiệu quả kinh tế, chi phí chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học (về giống, thức ăn, thuốc thú y, khấu hao chuồng, điện nước…) thấp hơn cách nuôi theo truyền thống khoảng 2,4 triệu đồng/hộ/10 con heo. Ngoài ra, mô hình còn giảm 50% - 70% tỷ lệ heo mắc bệnh hô hấp, đường ruột; giảm chi phí thuốc thú y 50.000 đồng/con heo; tiết kiệm 80% nước (do hoàn toàn không phải tắm heo, rửa chuồng, mà chỉ cho heo uống nước bằng vòi tự động); tiết kiệm được công lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đệm lót sau khi sử dụng còn làm được thành phân hữu cơ, sử dụng rất tốt cho cây trồng.
Ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, đánh giá cao về mô hình và cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân chăn nuôi heo trên địa bàn huyện chuyển đổi mô hình ngày càng tích cực hơn. Không dừng lại ở đó, nếu các hộ nông dân làm tốt, địa phương sẽ thành lập Tổ Hợp tác chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học và VietGAHP để giúp các nông hộ có điều kiện phát triển trang trại tốt hơn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, phát triển ngành nghề ổn định và lâu dài, phù hợp với chuẩn nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Ông Lê Văn Thuận, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông TPHCM, nhận xét: “Mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học được nhiều hộ dân, không chỉ ở xã Phú Mỹ Hưng mà ở nhiều xã khác của huyện Củ Chi như Trung Lập Thượng, An Thạnh, An Phú…, ghi nhận về hiệu quả và những ưu điểm mà mô hình mang lại. Do đó, Trung tâm Khuyến nông TPHCM sẽ tiếp tục triển khai và đề nghị nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện nhân rộng chuyển đổi chăn nuôi heo kiểu truyền thống sang nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, nhằm giúp tiết kiệm chi phí, công lao động, đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình. Đồng thời, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đảm bảo chất lượng chăn nuôi, đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.