Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong sáng

Dạo một vòng các chương trình truyền hình giải trí cho thiếu nhi trên khắp các đài truyền hình, tôi tự trả lời được vì sao hình ảnh những đứa trẻ cứ cắm mặt vào điện thoại, iPad bất cứ khi nào và ở đâu.

Trung tuần tháng 7, bộ phim Tây du ký (phiên bản năm 1986) tiếp tục được phát sóng trở lại trên truyền hình như một thông lệ đến hẹn lại lên. Điều này cũng chẳng có gì bất ngờ, bởi bộ phim đã gắn bó với ký ức tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ khán giả. Dù nhiều người đã thuộc lòng các tập phim nhưng mỗi mùa hè về, nếu không chiếu Tây du ký có cảm giác như thiếu vắng một món ăn tinh thần, dù nó không phải sản phẩm của Việt Nam.  

Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao nhiều phim truyền hình Việt dành cho thiếu nhi rất thành công như: Đất phương Nam, Kính vạn hoa, Đội đặc nhiệm nhà C21, Người mẹ nhí… rất ít khi được phát sóng lại, đặc biệt vào dịp các em nhỏ có thời gian vui chơi, giải trí trong hè. Phải chăng các bộ phim này đã lỗi thời, không còn được khán giả nhí ưa chuộng? 

Lướt qua khắp các kênh sóng trên các đài truyền hình ngay cả các kênh chuyên về chương trình cho thiếu nhi như: VTV7, HTV3 Dreams TV…, số lượng các chương trình dường như chưa đủ đáp ứng nhu cầu khán giả nhí và cũng chưa thực sự hấp dẫn. Số chương trình chiếm được cảm tình của khán giả có lẽ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự đình đám nhất luôn được dành cho các chương trình truyền hình thực tế, gameshow thiên về thi thố như: Giọng hát Việt nhí, Siêu mẫu nhí, Biệt tài tí hon, Nhanh như chớp nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí… Có một điều tôi rất ngạc nhiên là trong các chương trình này, nhiều gương mặt các bé cứ tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, hết năm này đến năm nọ và khi hết tuổi nhí, thậm chí còn đăng ký tham gia cả cuộc thi dành cho người lớn. Với các chương trình như vậy, liệu các bé khi xem sẽ học hỏi được những gì và nó có thực sự an toàn, bổ ích cho tâm hồn trẻ thơ của các em?

Một hệ lụy dễ nhận thấy, đó là khi các chương trình thiếu nhi đúng chất, đủ sức lôi cuốn và thuyết phục với trẻ nhỏ trên truyền hình chưa thể đáp ứng nhu cầu, lẽ tất yếu các ông bố, bà mẹ và chính các bé đã hình thành thói quen xem trên các nền tảng mạng xã hội. Chiếc tivi truyền thống, thay vì bật các chương trình do đài truyền hình phát, nay được trưng dụng để mở YouTube, các dịch vụ xem phim theo yêu cầu… Với một kho nội dung mà vấn đề kiểm duyệt còn rất lỏng lẻo, các bé đã đủ ý thức và cha mẹ có đủ thời gian để kiểm soát con mình không xem những nội dung không lành mạnh. 

Dĩ nhiên, với các yếu tố: nội dung phong phú, có thể xem dễ dàng mọi lúc mọi nơi, các nền tảng này rõ ràng chiếm lợi thế hơn hẳn so với các chương trình trên truyền hình. Nhưng nói như thế không có nghĩa là buông xuôi. Việc các con xem gì có quyết định rất lớn từ các bậc phụ huynh. Nếu các chương trình trên truyền hình phát vào các khung giờ hợp lý, nội dung vừa đảm bảo tính giải trí và giáo dục hấp dẫn, không khô khan, giáo điều, sẽ vẫn là lựa chọn được ưu tiên. Lý do là bởi, hầu hết các chương trình truyền hình, nhất là cho thiếu nhi, đều trải qua các khâu kiểm duyệt gắt gao, do đó, sự an toàn với trẻ sẽ được đảm bảo ở mức cao nhất có thể. Bên cạnh đó, không ít các bậc cha mẹ cũng sẵn sàng ngồi xuống cùng theo dõi với con cái, vừa tăng sự gắn kết trong gia đình và cũng là thời gian vừa chơi, vừa học bổ ích cho các bé.

NGUYỄN THỊ HƯỜNG
Khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương

Tin cùng chuyên mục