Sáng 10-1, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã diễn ra vòng chung kết cấp thành phố Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 năm học 2019-2020.
Hội thi do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hàng năm nhằm tạo ra môi trường học tập, giao lưu cho học sinh bậc THCS, qua đó giúp các em phát huy khả năng sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ.
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP, thông qua quá trình viết văn hay và rèn chữ đẹp, học sinh sẽ được hình thành năng lực văn chương (gồm năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ, năng lực tư duy) và những phẩm chất tốt đẹp như biết trân trọng cái đẹp, có đời sống tinh thần phong phú, có tâm hồn và lối sống nhân ái, vị tha, có tính kiên trì, nhẫn nại.
Bước qua tuổi thứ 20, hội thi đã chứng tỏ được bề dày đóng góp trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và say mê sáng tác của các ngòi bút trẻ. Đại diện Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP) cho biết, để viết một bài văn, các em phải kết hợp nghiên cứu sách, ghi nhớ những kiến thức thầy, cô truyền đạt trên lớp với những trải nghiệm thực tế của bản thân. Tuy nhiên, để viết một bài văn hay, các em phải học cách nuôi dưỡng cảm xúc, bồi đắp lòng yêu thương, biết chia sẻ trong cuộc sống và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Năm nay, hội thi ghi nhận sự tham gia của 150 học sinh gồm 75 học sinh khối 6, 7 và 75 học sinh khối 8, 9 đến từ các trường THCS trên địa bàn 24 quận, huyện. Các thí sinh sẽ lần lượt trải qua 4 hoạt động trải nghiệm gồm “Lắng nghe lời mời gọi của sách”, “Lắng nghe lời thì thầm của trái tim”, “Lắng nghe lời tâm sự của thiên nhiên” và “Vẽ tranh cổ động”.
Ở hoạt động “Lắng nghe lời mời gọi của sách”, học sinh được tham quan mô hình thư viện thông minh tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, sau đó nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của sách, ý nghĩa của Ngày sách thế giới (23-4) và Ngày sách Việt Nam (21-4).
Sau đó, các em được tham gia vào "bữa tiệc" sách với thực đơn gồm nhiều món đa dạng như sách thường thức đời sống, sách khoa học, sách lịch sử, sách văn học… Hoạt động nhằm khơi lên tình yêu sách, biết quý trọng tri thức của học sinh.
Với hoạt động “Lắng nghe lời thì thầm của trái tim”, các thí sinh được đóng vai một học sinh khiếm thị, đeo băng bịt mắt để tìm đường đi trong bóng tối, sau đó ngồi vào bàn ăn và dùng bữa ăn sáng như một người khiếm thị. Mục đích của trải nghiệm nhằm giúp học sinh hình dung, cảm nhận những khó khăn, thiệt thòi của các bạn học sinh khiếm thị. Từ đó, giúp các em biết thấu hiểu, cảm thông và yêu thương hơn những mảnh đời bất hạnh.
Sau cùng là hoạt động vẽ tranh cổ động. Học sinh được chia thành từng nhóm, lựa chọn một trong ba hoạt động trải nghiệm nói trên để vẽ tranh, thể hiện cảm xúc và gửi gắm thông điệp đến mọi người.
Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào ngày 15-1.