Do đó, làm thế nào để tạo ra một môi trường làm việc tích cực để nhân viên luôn hứng khởi mỗi ngày, từ đó có nhiều đóng góp hơn trong công việc, đang là câu chuyện được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhân sự quan tâm.
Không chỉ là tiền
Vấn đề nhiều người quan tâm là khơi gợi được động lực tự thân - xuất phát từ nội tại của mỗi lao động - để gia tăng nỗ lực, khả năng sáng tạo, hiệu suất làm việc của người lao động, tạo ra kết quả khác biệt trong công việc cũng như gắn kết lâu dài với nơi làm việc. Không chỉ tưởng thưởng bằng tiền, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách đa dạng chăm lo, khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả.
Cũng chú trọng khâu đào tạo, bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Coca-Cola Việt Nam, cho hay lãnh đạo cấp cao và những ứng viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo cấp cao luôn được cung cấp các chương trình đào tạo huấn luyện hàng đầu thế giới. Nhóm lãnh đạo cấp trung được đào tạo theo chuẩn của tập đoàn, kết hợp với các kế hoạch luân chuyển công việc qua những vị trí trọng yếu.
Với nhóm nhân sự tiềm năng, công ty tạo ra sân chơi “Start-up @ Coke” để các bạn có thể đề xuất sáng kiến, giúp công ty giải quyết các vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hoạt động kinh doanh. Ban giám đốc xem xét, tài trợ chi phí kèm theo một giám đốc cao cấp chuyên trách theo dõi và động viên để sáng kiến, ý tưởng được thực hiện thành công.
Xác định con người là quan trọng nhất và đặt sự an toàn lên trên lợi nhuận, từ năm 2018, Công ty TNHH Cargill Việt Nam (hoạt động ngành thức ăn chăn nuôi) đã cung cấp hơn 500 ô tô cho đội ngũ kinh doanh để họ đi lại làm việc thuận lợi hơn. “Đây là hành động thực tế của doanh nghiệp để người lao động về nhà an toàn sau mỗi ngày làm việc”, ông Mariano, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cargill Việt Nam, chia sẻ.
Tạo hạnh phúc trong công việc
Nhằm tạo sức bật cho người lao động, bà Nguyễn Kim Mai Thư, Phó Tổng giám đốc phát triển nguồn nhân lực, Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam, nhấn mạnh vào 3 điểm chính: Luôn tạo sự linh hoạt cho người lao động, sự đổi mới và tạo môi trường để nhân viên tự phát triển. Doanh nghiệp linh hoạt trong cấu trúc của đơn vị, vừa có người làm việc toàn thời gian, bán thời gian, lao động phổ thông, thực tập sinh và cả những người từng làm việc rồi nghỉ việc và quay lại cộng tác. FWD luôn mở rộng cửa để mọi người quay về.
Sự linh hoạt thứ hai là trang phục. Chỉ khi nào nhân viên thấy thoải mái nhất thì mới sáng tạo được, từ đó chính sách đồng phục được xóa bỏ. Với 60% người lao động đã lập gia đình, công ty còn có chương trình “Flex school holiday”. Mùa hè, nhân viên không biết gửi con ở đâu trong thời gian đi làm và chương trình này cho phép nhân viên đi trễ hoặc về sớm để dành thời gian chăm sóc con cái.
Với người lao động độc thân, công ty có chương trình “Sexy Tet holiday” - trong thời gian 6 tuần của tết nhân viên được về sớm để lo cho gia đình, đi mua sắm. Khuyến khích sự đổi mới, người lao động được FWD yêu cầu không cần nghĩ đến những điều xa vời, chỉ cần cải thiện những cái nhỏ, bất kỳ những cái gì mà nhân viên cảm thấy cần thay đổi và cải tiến tốt hơn. Để mỗi ngày người lao động đến công ty thật sự có ý nghĩa, FWD còn có chương trình “I develop” - tài trợ tất cả nhân viên 50% học phí cho bất cứ khóa học nào mà người lao động cảm thấy tâm đắc nhất trong năm.
Bà Mai Thư chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi ký duyệt những đề xuất từ nhân viên là đi học lái xe, học bơi, học nấu ăn, học tiếng Tây Ban Nha… Tất cả được chấp nhận và nhân viên cảm thấy họ được sống hết mình để thể hiện đam mê, không phải chỉ cho môi trường chuyên nghiệp mà cho chính cá nhân họ. Môi trường làm việc ngày nay không có sự rạch ròi giữa công việc và đời sống, vì thế hãy tạo cho họ cảm nhận hạnh phúc mỗi ngày trong công việc lẫn đời sống”. Không nói đến “sứ mệnh” suông, nhiều công ty chú trọng tạo môi trường, điều kiện để người lao động sống tốt, hạnh phúc trong công việc gắn hạnh phúc cuộc sống.
Ông Ganesan Ampalavanar, Giám đốc điều hành Nestlé Việt Nam, nêu ví dụ Nestlé đang là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam, công ty có đội ngũ kỹ sư tại khu vực Tây Nguyên làm việc trực tiếp với nông dân, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc trồng cà phê, hướng dẫn họ sử dụng ít nước và phân bón hơn, sử dụng giống năng suất cao trong gieo trồng để cải thiện nguồn thu nhập. Tại điểm cuối của quy trình, nông dân không cần phải cam kết bán sản phẩm cho Nestlé. Đây là điều người lao động của công ty rất tự hào vì mình đang làm tốt tại Việt Nam.
Trong khi đó, Công ty Sanofi lại khuyến khích nhân viên tích cực hoạt động kết hợp tạo ra giá trị cho xã hội. Bà Lê Ngọc Thiên Phương, Giám đốc nhân sự Công ty Sanofi, chia sẻ để khuyến khích nhân viên đi bộ, Sanofi xây những cầu thang bộ rất đẹp trong văn phòng và mỗi nhân viên cùng cài đặt app “Step up” để ghi nhận số bước đi bộ. Sau đó, công ty sẽ quy đổi số bước này thành tiền để đóng góp vào quỹ hoạt động cộng đồng của toàn công ty.
Tại Đất Xanh, doanh nghiệp đã gieo giấc mơ, khát vọng và tạo điều kiện cho người lao động đạt được. Mới đây, Đất Xanh đã thuyên chuyển 3 nhân sự về khởi nghiệp tại chính quê hương của họ. Đây là cách doanh nghiệp thành lập 40 đơn vị thành viên trong hệ thống mà người đứng đầu là nhân viên nội bộ.
Đây cũng không đơn thuần là thành lập doanh nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận, mà là cơ hội để anh em chứng minh được giá trị bản thân với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Cũng qua đó, tạo ra hàng trăm công ăn việc làm tại địa phương họ sinh sống, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.