Nuôi dưỡng độc giả tương lai

Tại TPHCM và một số địa phương, thời gian gần đây xuất hiện nhiều không gian đọc trong cộng đồng. Những không gian này đã và đang góp phần vào việc hình thành, phát triển thói quen đọc sách của các em nhỏ.
Vườn sách tại Thảo cầm viên Sài Gòn sẽ là nơi phụ huynh cùng các em nhỏ nghỉ chân, làm giàu tri thức và thư giãn tâm hồn
Vườn sách tại Thảo cầm viên Sài Gòn sẽ là nơi phụ huynh cùng các em nhỏ nghỉ chân, làm giàu tri thức và thư giãn tâm hồn

Một công đôi việc

Dẫn 2 con trai tới sinh hoạt tại Điểm đọc sách vì cộng đồng từ những ngày đầu, chị Hoàng Kim (ngụ quận 7, TPHCM) cho biết: “Tôi thấy mô hình này rất thiết thực và hữu ích, tạo được năng lượng tích cực khi các bạn nhỏ được tiếp xúc với sách và gặp những người lớn yêu thích đọc sách. Tôi hy vọng mô hình này sẽ được lan tỏa thành nhiều điểm, ở mỗi điểm có một người chủ chốt giúp các bạn nhỏ có được niềm vui trong việc đọc sách. Chính những mô hình này sẽ tạo nên văn hóa đọc và ảnh hưởng tốt đến những bạn nhỏ chưa có thói quen cũng như niềm yêu thích đọc sách”.

Điểm đọc sách vì cộng đồng được ra mắt vào giữa tháng 6 năm nay, do Chi nhánh NXB Văn học tại TPHCM (số 290/20 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3) thực hiện. Đến đây, các em không chỉ được những biên tập viên hướng dẫn cảm thụ tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, hướng dẫn đọc và tóm tắt nội dung sách mà còn được những người có chuyên môn, cũng chính là phụ huynh có con em sinh hoạt tại điểm đọc, đến nói chuyện về các chuyên đề (như luật vị thành niên, dinh dưỡng học đường, thể thao, công nghệ thông tin…).

Chia sẻ về lý do thành lập Điểm đọc sách vì cộng đồng, bà Phạm Thanh Điệp, Phó trưởng Chi nhánh NXB Văn học tại TPHCM, cho rằng, có một thực tế là hiện nay, trẻ em ở các đô thị có thời gian sử dụng điện thoại, máy tính nhiều. Khi nghỉ hè, các em không có địa điểm để vui chơi, thư giãn, trong khi ba mẹ lại đi làm. “Điểm đọc sách vì cộng đồng ra đời với hy vọng sẽ là nơi giúp các em rời xa điện thoại, tìm đến sách để vừa giải trí vừa bổ sung kiến thức cho mình. Hoạt động này là cơ hội để nuôi dưỡng những độc giả trong tương lai, cũng chính là những khách hàng tiềm năng của ngành xuất bản”, bà Thanh Điệp bày tỏ.

Trước đó, NXB Trẻ phối hợp Thảo cầm viên Sài Gòn cùng thực hiện Vườn sách, được đặt tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Vườn sách gồm 2 khu nhà lục giác và không gian ngoài trời rộng rãi dưới bóng cây, có bàn ghế và kệ sách, bộ sưu tập sách các thể loại, đặc biệt là sách thiếu nhi. Đây là nơi để các em dừng chân thưởng thức những quyển sách hay, tô màu, vẽ tranh và tham gia trò chơi khác.

Theo bà Huỳnh Thu Thảo, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, không gian Vườn sách giống như một món quà, trước mắt là phục vụ thiếu nhi trong dịp hè năm nay. “Việc tham quan, tìm hiểu thiên nhiên, động thực vật là việc hiển nhiên khi đến với nơi này. Qua Vườn sách, chúng tôi mong muốn du khách có một nơi nghỉ chân, đọc sách với mục tiêu làm giàu tri thức và thư giãn tâm hồn. Đây sẽ là khu đọc sách miễn phí dành cho độc giả và du khách khi đến đây”, bà Huỳnh Thu Thảo chia sẻ.

Sau khi dẫn con gái đi tham quan một vòng Thảo cầm viên Sài Gòn, chị Phương Linh (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) đưa con gái đến Vườn sách, rồi mẹ con cùng đọc sách với nhau. “Vào dịp cuối tuần, tôi vẫn thường đưa bé đến Thảo cầm viên Sài Gòn để bé vui chơi và tìm hiểu về thiên nhiên. Nay có Vườn sách, tôi chọn nghỉ chân ở đây, để bé tranh thủ đọc thêm những cuốn sách mà ở nhà không có. Đây thực sự là nơi đọc sách rất lý tưởng”, chị Phương Linh cho biết.

"Theo trải nghiệm và quan sát của tôi, với trẻ em, nếu chúng ta trao cho các em cái gì lúc nhỏ thì lúc lớn họ sẽ đi tìm cái đó. Tôi mong muốn trao cho các em những cuốn sách ngay từ lúc này, để khi lớn, các em sẽ làm bạn với sách" -

Phạm Thanh Điệp, Phó trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TPHCM

Tín hiệu vui và tích cực

Ngoài Vườn sách và Địa điểm đọc vì cộng đồng, tại TPHCM còn có Thư viện mini Cô Ba (huyện Củ Chi) và Thư viện Ngày mai tươi sáng (quận Bình Thạnh). Không chỉ phục vụ miễn phí, các thư viện này còn tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận về sách hoặc những nhân vật yêu thích để thu hút bạn đọc. Một không gian đọc dành cho cộng đồng được biết đến nhiều trong thời gian gần đây là Ô cửa sách, do Th.S Vũ Thanh Tâm thành lập vào tháng 6-2018. Ban đầu, Ô cửa sách ra đời và hoạt động tại TPHCM, sau đó vì lý do cá nhân nên từ cuối năm 2020, không gian đọc này được chuyển lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Là người tâm huyết với văn hóa đọc, nhất là đối với các em nhỏ, vì vậy Th.S Vũ Minh Tâm thường xuyên tổ chức Ô cửa sách và thực hiện nhiều hoạt động độc đáo, như mời các nhà văn, tác giả đến chia sẻ với các em về việc đọc và viết. Cùng với đó là hoạt động trải nghiệm và viết (thuộc dự án “Khi trẻ là tác giả”) qua hoạt động cắm trại, đọc sách với chủ đề “Thở giữa thiên nhiên” đầy thú vị, ý nghĩa cho trẻ nhỏ. Chính nhờ những hoạt động độc đáo này, Ô cửa sách luôn được phụ huynh tín nhiệm và đưa con đến sinh hoạt tại đây.

Các em nhỏ hào hứng trải nghiệm phương pháp đọc sách nhanh với chuyên gia tại Điểm đọc sách vì cộng đồng

Các em nhỏ hào hứng trải nghiệm phương pháp đọc sách nhanh với chuyên gia tại Điểm đọc sách vì cộng đồng

Chị Đoàn Bảo Châu, cán bộ truyền thông cấp cao tại Room to Read Việt Nam, cho rằng, các mô hình không gian đọc trong cộng đồng ngày càng phổ biến là một tín hiệu vui và tích cực. “Đối với Room to Read, những không gian đọc cộng đồng này là cánh tay nối dài, mở rộng quá trình nâng cao thói quen đọc sách cho trẻ em tại Việt Nam. Ngoài việc đến thư viện trường học, nay các bạn nhỏ có thể đọc sách tại nhiều nơi khác gần nhà mình hơn, hoặc là đọc sách trong thời gian nghỉ hè, cuối tuần cùng phụ huynh”, chị Bảo Châu thông tin.

Để những không gian đọc trong cộng đồng tạo được hiệu quả cao, theo chị Bảo Châu, cần có một cơ chế rõ ràng, đặc biệt là trong các hoạt động tại thư viện. Ngoài ra, yếu tố con người cũng rất quan trọng, người vận hành cần có sự am hiểu về sách, đọc sách và thường xuyên nâng cao năng lực, trao đổi chuyên môn để có thể lựa chọn sách hay, tốt cho trẻ em, cũng như đảm bảo duy trì không gian phù hợp với việc đọc sách. “Bên cạnh đó, nếu các không gian đọc có thể liên kết với nhau để tổ chức các hoạt động chung, trao đổi sách… thì cũng là một điểm hay để tạo nên làn sóng chung và mang đến tác động sâu rộng hơn trong cộng đồng”, chị Bảo Châu gợi ý.

Chị ĐOÀN BẢO CHÂU, cán bộ truyền thông cấp cao tại Room to Read Việt Nam: Quan tâm hơn đến không gian đọc trực tuyến

Theo tôi, chúng ta không nên giới hạn ở không gian trực tiếp (phòng đọc, góc đọc) mà cần quan tâm hơn nữa đến không gian đọc trực tuyến (Internet). Tại Room to Read, không gian đọc cộng đồng online đang được tổ chức xây dựng thông qua trang web và trang Facebook Thư viện Mây Room to Read (www.thuvienmay.vn, https://www.facebook.com/thuvienmayroomtoread) với nhiều hoạt động tương tác thú vị và gần 200 đầu sách tranh tiếng Việt, cùng khoảng 2.000 đầu sách tranh tiếng Anh. Với sự phát triển của công nghệ, các không gian này tồn tại song song và hỗ trợ rất tốt cho trẻ, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa, nơi mà điều kiện xây dựng một không gian đọc trực tiếp có thể còn hạn chế.

PGS-TS HOÀNG THỊ TUYẾT, Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt: Nguồn tài nguyên đọc phải phong phú, đa dạng

Chúng ta cần ghi nhận sự ra đời của những không gian đọc này, bởi đó sẽ là nguồn cổ vũ, khích lệ để các em đọc sách. Những mô hình không gian đọc như vậy rất cần nhân rộng, càng nhiều càng tốt. Để những không gian đọc đó hấp dẫn, thu hút được đông đảo bạn đọc thì tài nguyên đọc phải phong phú, đa dạng. Bởi vì một trong những yếu tố quan trọng của không gian đọc không phải là không gian, khung cảnh hay bàn ghế mà quan trọng là liên quan đến tài liệu sách vở trong không gian đó. Thậm chí, trong không gian đó, nên có những không gian mở liên quan, gồm tài liệu giấy, tài liệu online, để thuận tiện cho người đọc trong bối cảnh hiện nay.

Tin cùng chuyên mục