Nuôi động vật trong đô thị: Càng ngày càng bất chấp quy định vì cộng đồng

Cho nuôi thú cưng hay không, nuôi như thế nào, quản lý ra sao, xử lý thế nào... là những câu hỏi không dễ có lời đáp nếu không được sự đồng thuận của cư dân.
Chó không rọ mõm ở Công viên bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Chó không rọ mõm ở Công viên bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Nghị định 90/2017/NĐ-CP (Nghị định 90) của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y đã quy định rõ việc xử lý chó thả rông, không rọ mõm, không xích cổ, không tiêm phòng bệnh dại... Tuy nhiên, thực trạng chó thả rông ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sự an nguy của người dân tại TPHCM vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Cho nuôi thú cưng hay không, nuôi như thế nào, quản lý ra sao, xử lý thế nào... là những câu hỏi không dễ có lời đáp nếu không được sự đồng thuận của cư dân.

Thú cưng không có lỗi

Lâu nay, chó mèo đã trở thành thú cưng đối với nhiều gia đình. Tuy nhiên, chuyện chó cắn, mèo cào và hiện nay với việc dẫn chó đi chơi, để chó phóng uế bừa bãi trên đường phố, công viên đang diễn ra phổ biến ở khu dân cư. Nhiều người cho rằng, chó, mèo không tự nhiên gây ra việc này, thú cưng không có lỗi mà sai phạm là do ý thức quá kém của chủ nuôi. Khu phố nào thường xuyên nồng nặc mùi phóng uế bừa bãi của chó thì càng khổ sở hơn.

Hẻm 128 đường Lê Thánh Tôn, đối diện với chợ Bến Thành, quận 1, có nhiều tiệm chuyên dịch vụ làm đẹp và ăn uống. Đây là nơi lui tới không những của người dân thành phố mà còn là điểm tham quan của du khách nước ngoài. Tuy nhiên, ai đến khu vực này cũng ái ngại bởi quá nhiều chất thải của chó. Chắc chắn cư dân trong hẻm đều biết rõ chủ vật nuôi, nhưng hình như chẳng ai phản ánh. Và, chủ vật nuôi cũng mặc nhiên để vậy mà không hề quét dọn.

Bà Trần Ngọc Huyền, cư dân của một chung cư ở quận 8, cho biết: “Dù có gió thông thoáng, nhưng lối đi lại ở chung cư khá dài. Chỉ cần một bãi chất thải của chó là bốc mùi nồng nặc không thể chịu nổi. Đã vậy, nhiều nhà nuôi chó, để chó ở ngoài cửa. Chó ở trong nhà, nhưng khi người dân đi qua lại thì nó sủa inh ỏi, bất kể thời điểm nào trong ngày, thậm chí cả thời gian nghỉ ngơi, buổi trưa hay đêm tối. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với ban quản lý chung cư, nhưng tình hình chưa thuyên giảm. Đó là chưa kể việc đưa chó vào thang máy. Đó là không gian rất kín nên mùi của chó lưu lại rất nặng nề và khó chịu”.

Có khó chế tài?

Điểm b, khoản 2, Điều 7, Nghị định 90 quy định rất rõ việc xử phạt số tiền 700.000 đồng về hành vi không tiêm phòng vaccine bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng. Tương tự, số tiền phạt là 700.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng. Tổng cộng hình phạt là 1,4 triệu đồng. UBND phường, xã là nơi tiếp nhận thông tin bức xúc về vật nuôi của người dân và Chủ tịch UBND phường, xã có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi sai phạm nêu trên.

Ông Bửu An, 70 tuổi, nhà ở Tổ 15, khu dân cư 26 lô, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết: “Tôi rất mừng khi phường của tôi có Đội chuyên trách bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại. Kể từ khi thành lập (tháng 11-2022) đến nay, tình hình chó thả rông ở địa bàn có giảm. Người nuôi cũng ý thức đeo rọ mõm, có dây dẫn khi đưa chó ra ngoài. Tuy nhiên, việc chó phóng uế bừa bãi thì vẫn còn. Chúng tôi có phản ánh với tổ trưởng, nhưng việc xử lý rất khó. Theo tôi, có lẽ chính quyền địa phương và đội chuyên trách cần tiếp nhận các thông tin này qua video clip hay hình thức nào đó để có cơ sở, chứng cứ xử lý tình hình tốt hơn nữa”.

Luật gia Trịnh Phi Long, Hội Luật gia TPHCM, cho biết: “Trước nay, pháp luật chưa có quy định nào về việc cấm nuôi chó, mèo, kể cả việc nuôi thú cưng ở chung cư. Tuy nhiên, người nuôi phải nuôi nhốt, trông giữ đảm bảo để vật nuôi không cắn người, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Theo quy định, chủ sở hữu vật nuôi phải đăng ký với UBND phường, xã. Việc nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ồn ào, làm phiền và ảnh hưởng không tốt đến người dân sinh sống xung quanh.

Theo tôi, hiện nay khu dân cư hay chung cư không bố trí không gian riêng cho chó, mèo. Do vậy, chủ vật nuôi thường đưa chó ra nơi công cộng đi vệ sinh. Tuy nhiên, họ phải có trách nhiệm xử lý ngay chất thải của thú cưng của mình. Cần thiết có biện pháp chế tài đủ mạnh với những trường hợp vi phạm; nếu không đảm bảo được vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe, tính mạng của người khác… người dân cần cân nhắc việc nuôi dưỡng thú cưng của mình.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT TPHCM), hiện nay, tổng đàn chó, mèo trên toàn thành phố có gần 180.000 con đang được nuôi tại hơn 101.000 hộ dân, trong đó chủ yếu là chó. Theo chi cục, dù quy định đầy đủ nhưng hiện vẫn còn tình trạng cho chó ra đường không rọ mõm, không dây xích, không người dắt, không đăng ký đầy đủ với chính quyền địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của một số người dân chưa cao, cũng như nhân sự của chính quyền địa phương cấp phường, xã còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, xử lý chó thả rông, chưa tạo được sự răn đe. Ngoài ra, hiện nước ta chưa có quy định riêng về việc nuôi chó dữ như nước ngoài mà quy định chung về quản lý chó, mèo nuôi.

Tuy nhiên, trào lưu nuôi “chó chiến”, tức các loài như Pitbull, Berger, ngao Tây Tạng… đang phát triển nhưng chủ vật nuôi quản lý không chặt, dẫn đến cắn người khiến dư luận bức xúc. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu có hướng dẫn, quy định cụ thể về vấn đề này để hạn chế tình trạng chó cắn chết người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.


Tin cùng chuyên mục