Ngày ngắm 2 con trai trong đồng phục tinh tươm kẹp cà vạt sáng bóng trên ngực áo lên nhận bằng, chị Phượng thấy bồi hồi. Thế là đã qua bao khó khăn để đến được ngày này. Nhớ lại hôm nào khi đang lái xe, một thông tin trên đài vô tình lọt tai chị Phượng: Tính trong đầu năm 2019, cả thế giới đang thiếu khoảng 24.000 phi công.
Chị Phượng nghĩ đến con trai Đặng Tài Ngôn. Chờ con về, chị hỏi có muốn thử nghề này không. Cậu con trai đang học trường cảnh sát hứng thú, lập tức lên mạng tìm hiểu. Đúng ngày EuroPilot Center mở cửa chiêu sinh, chị Phượng đưa con đến khám sức khỏe, đạt chuẩn. Và giấc mơ bay chính thức cất cánh trong gia đình người Việt ở Kortrijk này.
Nhưng chị Phượng lúc ấy không lường trước được học phí rồi các chi phí khác lại nhiều và phải đóng dồn dập như vậy. Nộp 5.000 EUR phí cho mỗi con, vợ chồng tưởng xong khoản chính cả năm ai ngờ phí bay thực tập và các khóa huấn luyện ở California (Mỹ) mới là thứ đáng phải kể. “Con vào học khoảng 2 tháng nhà trường gửi giấy thông báo tổng chi phí từ lúc học cho đến khi ra trường là 150.000 EUR/học viên”, chị Phượng kể lại.
Dạo ấy, con trai cả Đặng Tài Danh (học ngành tài chính quốc tế) vừa thực tập 4 tháng ở Hàn Quốc về, lại được mời thực tập tiếp 4 tháng ở Việt Nam, công việc tương lai hứa hẹn rất tốt. Kết thúc thực tập, Danh về thăm nhà thấy em trai ngưng học cảnh sát để khoác trang phục phi công đến trường, cậu cả nhìn theo cậu hai với ánh mắt rất đặc biệt. Là mẹ, chị Phượng nhận ra ngay điều gì ẩn chứa trong ánh mắt ấy.
Chị càng quyết tâm bay cùng giấc mơ của con trai cả hơn khi nghe được tâm sự của con: “Thực ra từ lúc xong trung học con đã muốn cùng một cậu bạn đăng ký học phi công. Bây giờ bạn đang lái cho Bruxelles Airline rồi. Còn con chỉ dám mơ thôi vì thấy bố mẹ rất vất vả, chắc không đủ tiền cho con học phi công đâu”. Người thích nghề này từ sớm thì lại phải chờ đợi rất lâu như vậy đó.
Đối với người Việt xa xứ, con cái cũng là một gia tài. Chị Phượng chọn gia tài của mình là ước mơ của con. Quá trình 2 con sang California thực tập (phi công ở châu Âu bắt buộc phải thực tập lái 3 tháng tại Mỹ mới được chấp nhận bay ở Mỹ) là một lần gọi vốn lớn nữa: 15.000 EUR/tháng/phi công, bao gồm cả tiền thuê máy bay thực tập, chưa kể chi phí ăn uống.
Tài Ngôn từ Mỹ về, đến lượt Tài Danh đi. Bên cạnh đó, trong thời gian xin việc, hàng tuần hai anh em vẫn phải lên trường duy trì giờ bay để ôn luyện, thuê máy bay nhỏ của trường với số tiền không nhỏ.
Quãng thời gian ấy, chị Phượng cũng bị nghe nhiều người trách không lượng sức mình. Nhưng chị biết ơn cả người trách mình vì họ cho chị thêm nghị lực, quyết tâm chắp cánh bay cùng mơ ước của con. Chồng chị mở cửa hàng tất cả các ngày trong tuần, có ngày làm việc 15 tiếng.
Chị lương thấp, không đủ điều kiện để ngân hàng cho vay học phí cho con thì dồn sức xoay nhiều nghề, lo cho con từng món ăn đảm bảo duy trì dinh dưỡng và tiêu chuẩn sức khỏe, thể hình. Bên cạnh gia đình, may mắn vợ chồng chị có những bạn thân tin tưởng giúp sức.
Ngày 2 con có bằng phi công của Bỉ, chị Phượng cũng nhận được nhiều sự quan tâm và chúc mừng của bạn bè, đồng hương. Sự cảm thông và đùm bọc ấy khiến chị Phượng nhủ lòng càng phải sống sao cho tốt hơn, giúp sức cộng đồng nơi mình định cư nhiều hơn.
Là Trưởng Ban Phát triển cộng đồng của Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ (UGVB), chị Nguyễn Phượng đang cùng UGVB tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân kiều bào ở Bỉ quyên góp, hỗ trợ cho bà con gặp khó khăn vì bão lũ ở quê nhà.