![Nuôi chữ giữa rừng Trường Sơn](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/nkdkswkqoc/original/2008/5/images247240_M6h.jpg.webp)
Giữa đại ngàn Trường Sơn, hàng trăm căn lều liền kề được dựng lên như một khu ký túc xá (KTX). Ở đó, hàng ngàn học sinh cấp 2, 3 miền Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi đang ngày đêm bám trụ để nuôi con chữ, bồi bổ kiến thức, góp sức về xây dựng buôn làng. Tôi ghé vào lớp 12 Trường THPT Sơn Hà, màu áo dài trắng tinh khôi nổi bật lên giữa bốn bề màu xanh cây lá. Tên cô giáo dạy văn như âm hưởng của miền sơn cước - Cao Thị Thanh Sơn, đôi mắt đen lay láy, lướt nhìn đám học trò, cất giọng lảnh lót: “Các em làm bài kiểm tra 15 phút. Đề bài, phân tích 2 câu thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu…”.
Từ Quảng Ngãi...
![Nuôi chữ giữa rừng Trường Sơn ảnh 1 Nuôi chữ giữa rừng Trường Sơn ảnh 1](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/nkdkswkqoc/original/2008/5/images247240_M6h.jpg.webp)
Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Bé, dân tộc Hre, lớp 11 Trường THPT Sơn Hà cùng nhau học tập ở những gian nhà dựng trong rừng. Ảnh: HÀ MINH
Nhìn từng đụn khói trắng bảng lảng bay lên giữa núi rừng xanh ngắt, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, ông Đinh Văn Ái, nói: “Đến giờ tụi nhỏ chuẩn bị thổi cơm trưa”! Đã từng làm phó chủ tịch phụ trách văn xã của huyện trong một thời gian dài nên chuyện “xóm nhảy dù” giữa rừng để theo chữ ông rành lắm. “10 năm trước, lực lượng kiểm lâm, cán bộ địa phương đi kiểm tra rừng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều lều chõng lô nhô mọc ven những sườn đồi.
Không ai hiểu chuyện gì, cho rằng các hộ dân xâm chiếm rừng, hoặc “lâm tặc” làm căn cứ để khai thác, chứa chấp gỗ lậu. Vậy là lực lượng chức năng ém quân mai phục. Đến gần trưa, bỗng nghe râm ran tiếng nói cười, thấp thoáng bóng áo trắng, rồi từng tốp học sinh đi về phía lều...
Đến lúc này, mọi người mới vỡ lẽ”. Cũng từ “cái khó ló cái… liều” thôi, các em đi học xa, trọ nhà dân, nhưng do sinh hoạt, ăn uống... không phù hợp, nên mỗi em tự đem từng tấm tôn, miếng tranh, tự dựng lều, tự ở, tự quản lý, bảo ban nhau học hành...”. Chúng tôi đi tham quan khu “ký túc xá”, đang giờ nghỉ trưa nên hầu hết học sinh chưa ra lớp. Chục căn lều được dựng lên, khoảng 30 em học sinh người dân tộc Hre, Cadong, Cor...
Trong chiếc lều rộng chưa đầy 4m², 2 chị em Đinh Thị Thúy (học lớp 12) Trường THPT Sơn Hà đang lúi húi vo gạo, thổi lửa nấu cơm. Nhìn vào giá gạo, một màu đỏ bả trầu, thứ gạo chỉ được xay chứ chưa giã (ở quê tôi gọi là gạo lật), tôi hỏi: “Sao không giã gạo trắng mà ăn?”. Thúy trả lời: “Để thế này cho được nhiều”. “Đi chợ ở đâu?” Đinh Thị Nghĩa và Đinh Thị Bé đang tranh thủ ôn bài phía căn lều bên cười khúc khích, chỉ tay ra rừng: “Chợ ngoài đó!” Nghĩa cho biết, hai tuần hoặc một tháng các em về nhà lấy gạo và muối, tiền chi tiêu một tuần 10.000 đồng từ cha mẹ chu cấp (tháng có, tháng không).
Thức ăn chủ yếu lá mì, muối ớt, rau rừng... sang lắm thì nhiều bạn cùng gom góp tiền lại mua thịt cá (khoảng 1 tháng/lần)”. Tôi hỏi: “Kham khổ thế sao không ở nhà? “Muốn đi học mà, học để biết cái chữ, để làm cô giáo chứ” - bé trả lời.
...Đến Quảng Nam
![Nuôi chữ giữa rừng Trường Sơn ảnh 2 Nuôi chữ giữa rừng Trường Sơn ảnh 2](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/nkdkswkqoc/original/2008/5/images247238_M6g.jpg.webp)
Học sinh lớp 10 Trường THPT huyện Tây Giang (Quảng Nam) giúp đỡ nhau dựng lều trọ học. Ảnh: VŨ PHƯƠNG
Chị em Alăng Nhiêu, Alăng Nhiên, dân tộc Cơtu (Trường THPT Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đang lục đục nấu ăn. Bữa ăn của “đại gia đình” 10 người là một nồi cháo măng đang sôi sùng sục bên bếp lửa. Alăng Nhiên đang học lớp 12, chị cả của đại gia đình cười hồn nhiên: “Ăn cháo măng như vậy đã là ngon lắm rồi!”.
Căn nhà nhỏ chừng 10m2 ven đường đồi ấy là mái ấm của 10 học sinh gồm 6 nam, 4 nữ. Giữa núi rừng Trường Sơn bao la, căn nhà lại càng trở nên chật chội, nhỏ bé hơn. Mái lợp bằng bạt ni lông, vách nứa, bếp giăng tạm bằng mấy tấm ni lông làm nơi nấu nướng.
Chiếc sàn bằng tre, phủ chiếu tạm bợ với nhiều chức năng: chỗ ngủ, kiêm luôn chỗ học, sinh hoạt, ăn cơm... cho cả nhà! Tối ngủ, nam nữ phải tự ngăn cách nhau bằng những chồng sách, có khi là mấy bộ quần áo, bao gạo... Sau những giờ lên lớp, mọi người rủ nhau vào rừng hái rau, bẻ măng, lâu lâu mới có một bữa thịt cải thiện, còn không thì cơm độn sắn, bắp qua ngày. Tắm, giặt đã có con suối phía sau vài cây số, còn nước dùng ăn uống phải thay nhau đi gánh, địu ở đầu nguồn hoặc qua xin ở trung tâm huyện.
Chuyện ở đã khó khăn, chuyện đèn sách lại khó khăn gấp bội. Chưa năm nào, số học sinh theo học cấp 3 tại huyện miền núi nghèo nhất Quảng Nam này lại nhiều như năm nay. Năm ngoái, chưa vượt qua 300 thì năm nay đã tăng gần 1.000. Thầy cô chưa kịp mừng khi thấy con em đồng bào mình đã ý thức được việc tự nguyện ra lớp, lại phải đứng trước nỗi lo về chỗ ở cho các em - nhà đâu cho đủ chừng đó con người? Để giải quyết, huyện phối hợp, kêu gọi các xã có con em theo học dựng nhà tập thể, mỗi xã một nhà dài chừng 25-30m làm chỗ ở chung cho vài trăm em. Nhưng vì quá đông, chỗ ở và sinh hoạt chật chội, không thể học được, các học sinh rủ nhau tự làm nhà riêng, trọ học qua ngày…
Chung một khát vọng!
Các em học sinh người Cadong, Cor, Hre hay Cơtu, dù cách nhau về địa lý, khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa... nhưng đều có những ước mơ, khát vọng cháy bỏng được ra lớp, đến trường theo con chữ để trở thành cô giáo, thầy giáo; những bác sĩ, kỹ sư... để được đem con chữ về với buôn làng, để chữa cái bệnh cho bà con mình và trên hết, nắm bắt được những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước hướng dẫn bà con đoàn kết, nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, vượt qua những định kiến, tập tục mê tín dị đoan...
Đinh Thị Hà lớp 10 Trường THPT Sơn Hà (Quảng Ngãi), vân vê tà áo, bẽn lẽn nói: “Học vừa hết THCS, bố mẹ định bắt chồng nhưng mình nói không thích, chỉ muốn đi học để mai mốt làm bác sĩ về chữa bệnh cho người dân trong bản...”. Còn Cơ Lâu Lâm (ở xã Tr‘Hy, huyện Tây Giang) bộc bạch: “Ước mơ sẽ trở thành thầy giáo về dạy học cho lũ trẻ ở trong làng, để mọi người ai cũng được đến trường như em”. Không thua kém các bạn, Hốih Nhêu - năm nay mới lên lớp 10 (THPT huyện Tây Giang), quả quyết: “Khổ bao nhiêu cũng chịu được, chỉ cần học được cái chữ để về giúp bà con ở làng thôi”...
Các em đang rất nỗ lực để biến nó thành sự thật, nhưng vừa phải lo học, lại vừa lo mưu sinh hàng ngày nên chất lượng học tập của các em vẫn chưa cao và đáng ngại hơn nữa là tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. “Phải có một chính sách lâu dài, thiết thực cho các em: như hỗ trợ gạo, kinh phí, tạo điều kiện về chỗ ở ổn định, để các em yên tâm học hành…” - ông Ái băn khoăn. Chia sẻ với những khó khăn đó, Tổ chức Plan đã triển khai dự án xây dựng các khu nhà ở liền kề, trang bị vật dụng như: nồi cơm điện, bếp điện, đóng giường 2 tầng, cấp sách vở… cho những học sinh ở xa có chỗ ở, yên tâm về học hành.
Trần Đình Quý, trợ lý phát triển cộng đồng Plan vùng Quảng Ngãi cho biết: “Gần 16 tỷ đồng đã hỗ trợ cho Quảng Ngãi, trong đó đã thực hiện thí điểm sửa chữa 2 phòng học dột nát và trang bị vật dụng sinh hoạt cho 10 học sinh làng Monic ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà. Có chỗ ở ổn định, các em sẽ ra lớp, bám trường” - Quý nói khi chúng tôi chuẩn bị xuống núi, cũng là lúc mặt trời vừa lặn dần sau ngọn núi.
Giữa cái thâm u và tiếng “nhạc rừng”, bất giác tôi nhớ lại câu văn trong bài văn kiểm tra 15 phút của học sinh Đinh Văn Sử: “Trong những cuộc chiến chống quân xâm lược, rừng đã che chở bộ đội, nuôi dưỡng, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực, lòng kiên trung cho nhân dân ta quét sạch quân thù, nay rừng lại che chở cho các em nuôi chữ để mai này góp sức lực, trí tuệ của mình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc”.
HÀ MINH