Giá trên trời
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP ngày 23-5, anh Trần Phước Linh - chủ một nhà vườn hữu cơ ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) - cho biết, từ tháng 7-2022 đến nay, anh thường xuyên nhập sản phẩm nước tương của “HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn” (gọi tắt là dược liệu Sóc Sơn) qua một đại lý cấp 1 của HTX này để bán kèm rau, nông sản hữu cơ cho khách hàng thân thiết.
Tuy nhiên, giữa tháng 5, trên mạng xã hội rộ lên vụ một đại lý ở TP Đà Nẵng (cũng mua nước tương đậu đen - ngưu bàng từ đại lý cấp 1 này) về phân phối cho khách hàng trên địa bàn, tình cờ phát hiện trong thùng (can) loại 5 lít rơi ra nhãn vỏ của… một hãng sản xuất nước tương công nghiệp.
Anh Linh đã đem các chai nước tương (loại 500ml) đi kiểm tra tại một trung tâm phân tích ở TPHCM. Kết quả, loại nước tương mà anh bán không phải 4 thành phần đậu đen, ngưu bàng, muối và nước “lên men tự nhiên” như quảng cáo mà có chứa các thành phần của một loại nước tương công nghiệp đang bán tại nhiều siêu thị, gồm: chất tạo ngọt, chất điều vị, đường hóa học, chất bảo quản…
3 đại lý khác (nhập hàng trực tiếp từ cơ sở sản xuất) cũng đưa sản phẩm đi kiểm tra và có kết quả tương tự. Anh Linh cũng như nhiều người tiêu dùng cho biết, sở dĩ chuyền tay, tiêu dùng sản phẩm này vì được quảng bá hoàn toàn hữu cơ, lên men theo phương pháp truyền thống, không dùng hóa chất.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, đến thời điểm này, chưa thể khẳng định sản phẩm nước tương đậu đen - ngưu bàng của dược liệu Sóc Sơn có độc hại, mất vệ sinh an toàn thực phẩm hay không nhưng chứa hóa chất công nghiệp thì đã có bằng chứng rõ rệt. Nhiều người tiêu dùng bức xúc vì phải bỏ tới 135.000-145.000 đồng để mua 1 chai nước tương của cơ sở này, trong khi sản phẩm nước tương công nghiệp bán tại siêu thị chỉ có giá khoảng 7.000-45.000 đồng/chai.
Các đại lý phân phối cho biết, ngay sau sự cố, cơ sở sản xuất đã chấp nhận thu hồi và đền bù toàn bộ tiền. Để bảo vệ uy tín, nhiều đại lý cũng đang chủ động xin lỗi và thông báo trên mạng xã hội về việc thu hồi sản phẩm đã bán, hoàn trả 100% tiền cho khách, đồng thời đề nghị gửi các mẫu vật, sản phẩm làm bằng chứng để mời cơ quan chức năng vào cuộc.
Cơ quan chức năng chậm vào cuộc
Ngày 23-5, chúng tôi liên lạc với bà Nguyễn Thanh Tuyền, là chủ cơ sở sản xuất nước tương này và được trả lời: “Sẽ gọi lại ngày mai. Do mấy hôm nay quá mệt mỏi và đang âm thầm điều tra nhân viên nội bộ”.
Theo tìm hiểu, bà Tuyền là nhân vật đã được nhiều tờ báo viết như tấm gương sáng về đam mê với nông nghiệp hữu cơ, cây dược liệu... Từ tỉnh Vĩnh Long ra Sóc Sơn (Hà Nội) lập trang trại dược liệu, rồi sản xuất nước tương từ hạt đậu đen và củ ngưu bàng. Các bài viết của bà chia sẻ trên mạng xã hội được nhiều người thích, quan tâm theo dõi. Nhiều người tiêu dùng cũng cho biết, hồi đầu, sản phẩm nước tương - xì dầu của cơ sở này khá ngon và sánh, phải đặt lâu (1-2 tháng) mới có, nhưng về sau thì “khác lạ” dần (loãng và vị lạ) khi có đông người tiêu dùng sử dụng.
Sau khi xảy ra sự cố, dược liệu Sóc Sơn vẫn khẳng định sản phẩm của họ đạt chất lượng an toàn thực phẩm và cần 3 tháng để có thông tin chính thức. Nhưng, theo một số chuyên gia, đây là sản phẩm sản xuất theo kiểu thủ công (không có nhãn hiệu rõ ràng), không bán công khai trên hệ thống siêu thị mà chủ yếu được các đại lý phân phối theo kiểu chuyền tay, rao bán qua mạng xã hội… Người tiêu dùng bức xúc vì sản phẩm được bán với giá nước tương hữu cơ nhưng lại có chất lượng công nghiệp.
Điều đáng nói là đến thời điểm này vẫn không một cơ quan chức năng nào kiểm tra, làm rõ để giúp đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.