Nỗ lực kéo ống nước đến cửa nhà dân
Nếu như những năm trước, khi thời tiết chuyển dần vào mùa nóng, người dân sống tại khu vực ấp An Hòa, xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) lại lo lắng, tất bật chuẩn bị cho hành trình canh giờ hứng nước, thì năm nay, niềm vui có nước sạch đã thay thế nỗi lo toan của họ bấy lâu nay.
Đưa tay đẩy nhẹ cái van mở nước để rửa mớ rau, bà Trần Thị Hồng Loan (ngụ tổ 5, ấp An Hòa) nói trong niềm vui vô bờ: “Mọi năm vào mùa này, gia đình nào cũng phải có một người túc trực ở nhà để canh có nước thì hứng trữ lại. Nước khan hiếm dữ lắm. Có khi mấy ngày liền chẳng có giọt nước nào, người dân phải đi đổi nước với giá rất cao. Khổ nhất là khi nhà có đám tiệc mà trúng ngày không có nước. Giờ thì khỏe rồi, chỉ cần mở van là có nước sạch sử dụng”.
Cầm vòi nước trên tay, ông Huỳnh Văn Bạc (ngụ ấp 5) tươi cười khi được thỏa thích tắm trong làn nước mát, xoa dịu cái nắng của những ngày cuối tháng 6. Trước đây, vào mùa nắng nóng, vợ chồng ông phải đi mua từng can nước với giá đắt đỏ về xài, thì hơn 2 tuần nay, cảnh khổ ấy đã không còn. Ống nước lớn được kéo đến con đường ngay trước nhà ông và tất nhiên nước sạch cũng từ đó chảy vào nhà ông cùng các nhà lân cận.
Đâu chỉ có cảnh nửa đêm bật dậy để canh hứng một thùng nước hay chở nhau đi đong từng can nước ngọt, mà bao năm liền, người dân tại nhiều xã trên địa bàn huyện Cần Giờ còn phải xài nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Nói về lý do chất lượng nước không đảm bảo mà người dân phải sử dụng nhiều năm qua, ông Lê Công Anh Dũng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) cho biết, từ trước năm 2011, việc cung cấp nước sạch đến người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ do các trạm cấp nước Nhà nước đầu tư và các trạm cấp nước vệ tinh tư nhân, nhỏ lẻ đầu tư hình thức xã hội hóa theo chủ trương của UBND TP và UBND huyện Cần Giờ.
Nguồn nước chủ yếu được vận chuyển bằng sà lan, ghe lòng nên chất lượng không ổn định. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật hệ thống cấp nước của các trạm cấp nước này còn hạn chế do đã sử dụng lâu năm, ít được đầu tư cải tạo. Nguồn nước cấp phụ thuộc vận chuyển từ sà lan nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước liên tục của người dân.
Nước vượt sông về xã
Từ năm 2011, thực hiện chủ trương của UBND TPHCM, Sawaco phối hợp UBND huyện Cần Giờ ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển mạng lưới cấp nước trên địa bàn, nhằm hoàn thiện mạng lưới cấp nước và giảm cấp bù kinh phí từ ngân sách. Đến nay, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống tuyến ống dẫn nước sạch, phương thức cấp nước từ sà lan dần được thay thế, từ đó người dân đã được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn Châu, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, giai đoạn 2011-2018, Sawaco đầu tư 9 dự án với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng phát triển 73.925m đường ống để thay thế phương thức cấp nước từ sà lan. Giai đoạn 2019-2020, Sawaco tiếp tục triển khai đầu tư 13 dự án, phát triển thêm 92.271m đường ống tại các xã, thị trấn Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, Long Hòa, Cần Thạnh, tổng mức đầu tư khoảng 154 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành 5 dự án và 8 dự án đang đẩy nhanh tiến độ.
“Các dự án này khi hoàn thành sẽ cơ bản thay thế phương thức cấp nước bằng sà lan tại các xã trên địa bàn huyện (trừ xã Thạnh An), đồng thời thay thế mạng cấp nước từ các vệ tinh hiện hữu, đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục đến người dân”, ông Toàn Châu cho biết.
Một nỗ lực lớn của ngành cấp nước thành phố chính là Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ đã kéo tạm thời 2.200m ống, đưa nước đến người dân Doi Mỹ Khánh (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ). Nhờ đó, từng hộ gia đình tại Doi Mỹ Khánh đã có nước sạch sử dụng thay vì phải đi mua nước bằng ghe vô cùng khó khăn. Ngoài ra, đoàn thanh niên Sawaco cũng đã thực hiện công trình hưởng ứng Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng năm 2019, lắp đặt 50 đồng hồ nước miễn phí cho các hộ gia đình khó khăn tại Doi Mỹ Khánh.
Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, đến nay 100% hộ dân trên địa bàn huyện Cần Giờ đã được cung cấp nước sạch theo 3 phương thức. Trong đó, tỷ lệ hộ dân tiếp cận, sử dụng nước do Sawaco cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp tăng dần mỗi năm, đến nay đạt tỷ lệ khoảng 76,37% (khoảng 14.645/19.176 hộ dân). Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Cần Giờ hiện vẫn còn hơn 4.500 hộ dân xài nước từ nguồn các trạm cấp nước vệ tinh và các điểm đổi lẻ, nguồn nước từ các sà lan chuyên chở, khiến chất lượng nước chưa được đảm bảo. |