“Nước rút” cuối năm

Quận 1 phải là một trong những địa phương đầu tiên nhìn ra và tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 98 như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

Trước hiện trạng nhiều nhà mặt tiền “cửa vẫn đóng và… nhà im ỉm khóa” suốt thời gian qua, chính quyền quận 1, TPHCM đã xắn tay kết nối với bên cho thuê và bên đi thuê, tìm cách tháo gỡ những điểm tắc về giá, thủ tục. Kết quả tuy chưa khả quan nhưng là động thái cần thiết.

Là quận trung tâm, nhiệm vụ đảm bảo thu đủ, thu vượt chỉ tiêu ngân sách là một áp lực lớn; do đó nhánh Nhà nước đã chủ động tổ chức, kết nối tập hợp các nhà doanh nghiệp cùng nhà chuyên môn, chuyên gia lý giải, phân tích từ thực tế để tiếp tục tìm giải pháp cho nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tất nhiên, không thể thiếu nhánh hợp tác, hỗ trợ, đồng hành của nhà dân, du khách…

Quận 1 đẩy mạnh quảng bá du lịch
Quận 1 đẩy mạnh quảng bá du lịch

“Ngày hội kết nối giao thương F&B 2023 - F&B Networking Fair”; “Liên kết tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử”; Hội nghị đối thoại doanh nghiệp - chính quyền quận 1; lễ ký kết ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn… như một động thái thúc đẩy liên tục các hoạt động xúc tiến thương mại bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp như vận hành ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý quản lý hộ kinh doanh (WEBGIS), cùng sự đồng bộ trong toàn hệ thống đã nâng tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến đạt gần 90% (năm 2022 là gần 80%).

Nhưng đặt trong sức ép suy giảm toàn diện trên toàn cầu, những nỗ lực bảo toàn các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội trong một quận, kể cả thành phố, quốc gia, là điều bất khả thi. Công tác quản lý đô thị vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của khu vực trung tâm; những dự án quan trọng và cấp thiết của quận vẫn chưa có hướng giải quyết…

Do đó, lời giải của quận 1 (và cũng là một phần của TPHCM) cho bài toán “về đích” năm 2023 không ngoài việc tiếp tục khơi thông nội lực, tận dụng triệt để những cơ hội đang và sẽ là lợi thế, tìm mọi cách kết nối sức mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, đa địa bàn để tạo một cú hích cho sự phát triển toàn cục.

Thế mạnh của một quận lõi trung tâm cần được phát huy cao độ hơn nữa, nhất là về thương mại, dịch vụ, tài chính - ngân hàng. Vấn đề này cần được triển khai trên tổ hợp khai thác hiệu quả ưu thế du lịch - di sản, các thiết chế, sự kiện văn hóa - cộng đồng lớn hầu hết đều quy tụ trên địa bàn quận; từ đây kích hoạt mạng lưới dịch vụ mua sắm, tiêu dùng, nhất là các loại hình gắn với kinh tế đêm, kinh tế sông.

Ngoài giải chạy đêm cấp quận, tour du lịch “Ký ức Biệt động Sài Gòn”, “Quận 1 - Sống động Sài Gòn”, cách khai thác không gian bờ sông - công viên tại bến Bạch Đằng, khu vực tiền sảnh chợ Bến Thành, công viên 23/9, công viên Lý Tự Trọng… chúng ta cần một sự chuyển đổi mạnh mẽ, sáng tạo và có điểm nhấn nhiều hơn, rõ nét hơn ở “phần còn lại” của quận và khu vực trung tâm thành phố.

Quận 1 phải là một trong những địa phương đầu tiên nhìn ra và tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 98 như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp phân cấp - ủy quyền để quản lý đô thị, quản lý xây dựng; nhanh chóng rà soát và đề xuất các khu đất trống, đất dự án nhưng chưa thể triển khai ngay để cấp phép sử dụng công trình công cộng như bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng…

Là quận trú đóng của hầu hết các cơ quan ngoại giao, đơn vị nhà nước quan trọng nên cần một bộ mặt hành chính văn minh, khoa học, hiện đại, trong đó chú trọng việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tăng cường sự tương tác với người dân; giải quyết dứt điểm những kiến nghị phù hợp của nhân dân. Bài học xử lý hiệu quả hiện tượng thiếu nhà vệ sinh an toàn, sạch sẽ của thành phố, tập trung ở quận 1, vừa qua là một ví dụ.

Ở những điểm nghẽn, hạn chế khác, quận cũng nên áp dụng “gia tốc” của bài học nói trên để xử lý tập trung, cụ thể và có hiệu quả rõ rệt. Từ hiệu ứng thành công của những sáng kiến theo dòng chảy của cộng đồng, quận 1 rất cần cú “nước rút” để kịp về đích năm 2023 và chuẩn bị đường dài trong 2 năm kế tiếp.

Tin cùng chuyên mục