Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp gần 10% cùng với nguy cơ khủng bố khiến tỷ lệ cử tri đi bầu dự báo sẽ rất thấp.
Thay đổi về chính trị
Các phòng phiếu mở cửa lúc 8 giờ sáng 7-5 giờ địa phương (tức 6 giờ, giờ GMT) và đóng cửa lúc 19 giờ (tức 17 giờ, giờ GMT) cùng ngày. Các cuộc thăm dò dư luận ngay trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa cho thấy, cử tri Pháp bầu cho ứng viên Emmanuel Macron cũng chỉ bởi họ không muốn nước Pháp có tổng thống theo đường lối cực hữu như bà Marine Le Pen chứ không phải vì họ yêu thích ông Macron. Theo Reuters, nhiều cử tri Pháp không muốn nước Pháp đi theo vết xe của người Anh khi họ bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay giống cử tri Mỹ chọn ông Donald Trump làm tổng thống. Nhưng vẫn còn khả năng dù rất thấp là ứng viên Mặt trận dân tộc Marine Le Pen giành chiến thắng. Khi đó, tương lai EU càng khó đoán hơn khi quốc gia đầu tàu muốn rời khỏi EU như những gì bà Le Pen từng tuyên bố.
Chọn ông Macron có nghĩa là cử tri Pháp muốn chọn một người hiểu biết về kinh tế (vì ông từng là Bộ trưởng Kinh tế của Tổng thống Francois Hollande) cũng như tăng cường hội nhập EU. Còn chọn bà Le Pen có nghĩa là chọn đóng cửa biên giới, ngừng sử dụng đồng euro và kiểm soát chặt chẽ về nhập cư. Nhưng cho dù ai trong số 2 ứng viên kể trên giành chiến thắng, nước Pháp cũng đã thay đổi bản đồ chính trị suốt nhiều thập kỷ qua, khi đảng Xã hội và đảng của Những người cộng hòa (tiền thân là đảng Tập hợp vì nền cộng hòa) từng thay phiên nhau lãnh đạo nước Pháp, nay đã thất bại thảm hại ngay từ vòng 1. Thay vào đó là một ứng viên tự do thuộc phong trào Tiến bước (En Marche) và ứng viên cực hữu Mặt trận dân tộc.
Tăng cường an ninh chưa từng thấy
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh nước Pháp những năm gần đây hứng chịu nhiều vụ khủng bố lớn, vì vậy an ninh được thắt chặt hơn so với các cuộc bầu cử trước. Mối đe dọa khủng bố chưa bao giờ lớn như thế sau vụ bắt giữ một người đàn ông cực đoan dường như đang chuẩn bị một vụ tấn công, gần một căn cứ quân sự ở vùng Normandie và trước đó là vụ sát hại một cảnh sát trên đại lộ Champs-Elysées, Paris vào ngày 20-4. Đây là lần đầu tiên, một cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra trong tình trạng khẩn cấp, được ban hành sau loạt khủng bố vào năm 2015.
Theo tuyên bố của người phát ngôn Bộ Nội vụ Pháp, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được triển khai, cùng với quân đội và lực lượng cảnh sát địa phương để bảo đảm an ninh xung quanh các phòng phiếu để có thể can thiệp ngay lập tức khi cần thiết. Ngoài ra, an ninh mạng cũng được đặt trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt sau khi nhiều tài liệu của ứng viên Macron bị đột nhập ngay trước ngày bầu cử.
Các cuộc tập hợp mừng chiến thắng sau bầu cử cũng sẽ được giám sát chặt chẽ, bởi nhà chức trách và lực lượng an ninh Pháp lo ngại sẽ xảy ra bạo động. Ủy ban vận động bầu cử của ứng cử viên Macron đã báo trước là nếu đắc cử, ông sẽ ăn mừng chiến thắng ở quảng trường trước Viện bảo tàng Louvre, trong khi địa điểm dự kiến của ứng cử viên Marine Le Pen để mừng thắng lợi là trước một nhà hàng hạng sang ở khu rừng Vincennes.
Sau vòng 1 hôm 23-4 vừa qua, hàng trăm thanh niên chống phát xít đã biểu tình chống cả hai ứng cử viên Macron và Le Pen, và đã xung đột với cảnh sát, khiến 6 cảnh sát và 3 người biểu tình bị thương nhẹ, 143 người bị bắt .