“Lần đầu tiên tôi sang Liên Xô là vào năm 1977, làm thực tập sinh tại Đại học Lomonosov. Sau 10 ngày đi tàu hỏa liên vận qua Trung Quốc và vùng Siberia rộng lớn của nước Nga, chúng tôi đến Moskva. Trên chuyến tàu đó, lần đầu tiên trong cuộc đời chúng tôi được nhìn thấy tuyết khi qua vùng Siberia, được thấy hồ Baikal nước trong suốt tận đáy, thấy rừng Taiga ngập tràn thông xanh biếc và những cây sồi lá đỏ. Đất nước Nga thật đẹp…”, cô Đinh Thị Chi Thoa vừa giở những tấm hình chụp trong thời gian học ở Liên Xô (nay là Liên bang Nga) vừa nhẹ giọng kể.
Trong căn hộ nhỏ, giữa tiếng nhạc du dương của những bài hát Nga phổ biến một thời, cô Chi Thoa nhắc những kỷ niệm về nước Nga, về người dân Nga với tình cảm thiết tha.
Vẻ đẹp tính cách Nga
Sau chuyến thực tập sinh đầu tiên, năm 1980 và 1987 cô Chi Thoa tiếp tục sang Nga làm thực tập sinh ở Viện Tiếng Nga Puskin ở Moskva, mỗi chuyến 10 tháng.
Trong thời gian làm thực tập sinh, cô và các bạn không chỉ được nâng cao kiến thức tiếng Nga trên giảng đường mà còn được tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của nước Nga như Quảng trường Đỏ, Cung điện Mùa Đông, Chiến hạm “Rạng Đông” ở Leningrad (nay là Saint Petersburg) - những địa danh gợi nhớ tới Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Chú Quang Hùng, cô Chi Thoa cùng những chiếc đĩa than nhạc Nga quý giá
Điều ấn tượng đọng lại trong lòng cô Chi Thoa là các thầy cô giáo Nga không chỉ tận tâm truyền đạt kiến thức mà còn quan tâm, chăm sóc chu đáo đến sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống tinh thần của các lưu học sinh Việt Nam, thăm hỏi tình hình gia đình lưu học sinh và thể hiện sự cảm thông với nhân dân Việt Nam gặp những khó khăn sau cuộc chiến tranh kéo dài.
Vẻ đẹp tính cách Nga, sự đôn hậu của người Nga là điều mà những người đã từng học tập, công tác tại Nga luôn khắc ghi trong lòng. Trong câu chuyện kể, cô Chi Thoa nhắc lại một lần bị đi lạc, cô cùng bạn bè hỏi đường một khách bộ hành người Nga.
Biết mọi người là du học sinh Việt Nam mới sang, người này dẫn nhóm cô Chi Thoa đến địa chỉ cần tìm, sau đó chia tay và đi làm theo hướng hoàn toàn khác. Chú Nguyễn Hữu Thành (cựu chuyên gia làm việc tại Ban Tiếng Việt của Đài phát thanh Moskva - sau đổi tên là Đài Tiếng nói nước Nga - từ đầu những năm 1970 đến năm 1977) nhớ mãi chuyện trên chuyến tàu hỏa liên vận từ Việt Nam sang Liên Xô, một số cô gái Nga đến làm quen với chú do xuất phát từ tình cảm dành cho nhân dân Việt Nam - dân tộc anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Thấy chú mới đi tàu hỏa lần đầu, còn lớ ngớ, các cô đã mua thức ăn đưa cho chú. Sau đó, các cô gái còn đến nơi chú ở để tặng sách vở. “Điều này thể hiện sự mộc mạc của tâm hồn Nga, tính cách Nga”, chú Thành nhớ lại. Theo chú Thành, tính cách của người Việt Nam và người Nga có nhiều điểm tương đồng, đó là lòng chân thành, thủy chung, trước sau như một, không bao giờ thay đổi đối với bạn bè, người thân.
Truyền tình yêu cho thế hệ sau
“Nước Nga là quê hương thứ hai của chúng tôi”, chú Phạm Quang Hùng (chồng cô Chi Thoa, Tiến sĩ Hải dương học, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Leningrad khóa 1964-1969 và là nghiên cứu sinh của trường những năm 1976-1980) khẳng định như vậy khi nói về tình yêu đối với nước Nga.
Chú tâm tình: “Chúng tôi tuy đi học xa nhưng cũng giống như sống ở nhà vì được thầy cô quan tâm, người dân tận tình giúp đỡ. Vào ngày chủ nhật hay dịp hè, thầy cô trong trường đều mời chúng tôi đến nhà chơi và luôn bày tỏ niềm tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ. Nói về tình cảm người dân Nga dành cho Việt Nam, chỉ có thể nói là tuyệt vời, dùng bất kỳ từ nào khác cũng rất khó”.
Cô Chi Thoa cũng khẳng định: “Đến bây giờ, dù nước Nga đã trải qua thăng trầm, tình cảm của chúng tôi với đất nước, con người Nga không thay đổi mà ngày càng sâu sắc hơn”.
Không chỉ luôn hồi tưởng những ký ức về một thời tuổi trẻ vẫn lưu mãi trong tim, những người từng công tác, học tập tại Nga còn muốn truyền tình yêu nước Nga cho thế hệ sau theo cách của mình.
Sau khi về nước, một thời gian dài chú Nguyễn Hữu Thành là Phó Chủ tịch Thường trực, rồi Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga TPHCM.
Với vai trò cầu nối hữu nghị, hội thực hiện nhiều hoạt động phong phú, tích cực trong việc góp phần gìn giữ, củng cố và phát triển tình đoàn kết anh em giữa nhân dân TPHCM và nhân dân Nga, cũng như nhân dân các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.
“Kho báu”
Tài sản quý giá của gia đình chú Quang Hùng, cô Chi Thoa là 100 đĩa than các bài hát tiếng Nga do chú mang về sau chuyến du học đầu tiên ở Liên Xô. Năm 1972, chú Quang Hùng nhập ngũ theo lệnh tổng động viên khi có chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
Cô Chi Thoa và con gái lần lượt chuyển nhà 10 lần, đồ đạc không mang theo gì, chỉ mang sách vở và 100 đĩa hát. “Những chiếc đĩa này theo tôi suốt cuộc hành trình từ Bắc vào Nam. Máy để nghe đĩa than rất hiếm, không có máy, nhưng vợ chồng tôi vẫn nâng niu gìn giữ từng chiếc đĩa.
Chỉ đến tháng trước, một người bạn báo rằng có người ở quận 7 bán máy nghe đĩa than, chồng tôi lập tức đến mua. Có những đĩa nhạc mua từ năm 1968, đến giờ này chồng tôi mới nghe lần đầu. Chúng tôi nghe nhạc không phải chỉ để nhớ về nước Nga với những kỷ niệm tươi đẹp, đó cũng là cách chúng tôi thể hiện tình yêu với nước Nga”, cô Chi Thoa tâm sự.