Tuy nhiên, có thể khẳng định cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử kịch tính nhất từ trước tới nay tại Mỹ, bởi nó diễn ra trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử với một loạt diễn biến khó lường cũng như có nhiều yếu tố tác động.
Tính tới thời điểm này, nếu như chỉ dựa vào kết quả của hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, mọi yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” dường như đang nghiêng về phía ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ. Kết quả thăm dò mới nhất của RealClearPolitics cho thấy, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden nhận được 51% ý kiến ủng hộ, dẫn 6,7% so với tỷ lệ 44,3% cử tri ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump.
Có thể nói, cuộc đua năm nay mang một số yếu tố giống như cuộc bầu cử năm 2016, thậm chí cơ hội chiến thắng của ông Biden được đánh giá cao hơn hẳn ứng cử viên đảng Dân chủ cách đây 4 năm. Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ vẫn có thể xảy ra một lần nữa bởi có một lượng lớn “cử tri dao động” tại các bang “chiến địa” không thể hiện quan điểm thật của mình, hay im lặng hoặc bị bỏ sót trong các cuộc thăm dò dư luận, và họ chính là một bộ phận quan trọng, âm thầm ủng hộ Tổng thống Trump.
Theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận do Rasmussen thực hiện, hiện có xu hướng ngày càng nhiều cử tri là người da màu, cử tri gốc Mỹ Latinh, nông dân, công nhân, người lao động nói chung chuyển hướng ủng hộ Tổng thống Trump. Dưới thời Tổng thống Trump, tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi thấp kỷ lục (thời điểm trước khi đại dịch xảy ra). Do đó, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump trong khối cử tri da màu - khối cử tri quan trọng của đảng Dân chủ, tăng lên 30% so với 8% năm 2016, mang lại lợi thế cho vị tỷ phú này.
Các bang không chịu áp lực xác nhận ứng cử viên chiến thắng
Sau khi các phòng phiếu đóng cửa, các hãng truyền thông lớn của Mỹ sẽ sử dụng các mô hình bầu cử để dự đoán xem ai sẽ giành chiến thắng trong tất cả các cuộc đua khác nhau. Các mô hình này dựa trên nhiều dữ liệu khác nhau, chẳng hạn như các cuộc thăm dò khi rời phòng phiếu (phỏng vấn cử tri tại các điểm bỏ phiếu) và các phiếu bầu thực tế do các quan chức địa phương đếm và sau đó đưa vào cơ sở dữ liệu. Các cơ quan truyền thông này sẽ “tính” một tiểu bang vào cột của ứng cử viên họ tin có vị trí dẫn đầu, dù kết quả chưa được công bố. Tương tự, các cuộc đua tiểu bang và địa phương cũng vậy. Đây vẫn chỉ là dự đoán và không phải là kết quả cuối cùng.
Tuy nhiên, các quan chức tại nhiều bang như Michigan, Wisconsin, và Pennsylvania - những bang chủ chốt có kết quả bầu cử khó đoán định - cho biết, việc kiểm phiếu với số lượng lớn phiếu bầu qua thư có thể mất ít nhất thêm 1 ngày nữa, thậm chí có thể lên tới 3 ngày. Họ tuyên bố họ không chịu áp lực nào trong việc phải xác nhận người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 3-11, trong bối cảnh có những thông tin cho rằng Tổng thống Donald Trump đã tính đến khả năng tuyên bố chiến thắng trước khi phiếu bầu được kiểm.
Phát biểu với các phóng viên, Tổng chưởng lý bang Michigan Dana Nessel nêu rõ: “Các bang không xác nhận kết quả bầu cử vào đêm bầu cử”. Trong khi đó, Tổng chưởng lý bang North Carolina Josh Stein nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không để cho bất cứ ai đánh cắp cuộc bầu cử này. Chúng tôi có kinh nghiệm xử lý các cuộc bầu cử kín. Chúng ta có thể biết được người chiến thắng vào đêm thứ 3 hoặc không thể biết được người chiến thắng”. Trước đó, chuyên trang tin tức về chính trị Mỹ Axios ngày 1-11 đưa tin, Tổng thống Trump có kế hoạch sớm tuyên bố chiến thắng trong ngày bầu cử nếu có dấu hiệu ông vượt qua ông Joe Biden tại các bang “chiến địa”. Theo ông Josh Stein, nếu Tổng thống Trump tuyên bố vội vàng chiến thắng, “đó sẽ là một điều đáng tiếc và không phù hợp”.
Đảm bảo trong và sau Ngày Bầu cử an toàn và công bằng
Từ ngày 2-11, an ninh xung quanh Nhà Trắng đã được tăng cường do lo ngại sẽ xảy ra biểu tình sau khi công bố kết quả chính thức. Theo CNN, việc tăng cường an ninh quanh Nhà Trắng là dấu hiệu cho thấy các cơ quan chức năng chuẩn bị cho tình huống xảy ra biến động sau cuộc bầu cử năm nay, đặc biệt là viễn cảnh không có người chiến thắng rõ ràng từ 4-11. Không chỉ xung quanh Nhà Trắng, hàng rào này còn bao quanh cả Quảng trường Lafayette nằm ở phía Bắc của công trình. Công viên Lafayette là địa điểm người biểu tình thường tập trung đông đảo.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát thành phố New York đã được tăng cường triển khai để làm nhiệm vụ tuần tra trong Ngày Bầu cử. Nhiều nhóm tình nguyện viên cũng được điều động để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực có thể xảy ra trong sự kiện quan trọng này. Theo Sở Cảnh sát New York, trong ngày 3-11, lực lượng an ninh sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát tại hơn 1.200 điểm bỏ phiếu trên toàn thành phố. Cùng ngày, Thị trưởng thành phố Philadelphia thuộc bang Pennsylvania, ông Jim Kenney, đã kêu gọi người dân kiên nhẫn và bình tĩnh trong bối cảnh chỉ còn một ngày nữa là đến Ngày Bầu cử. Trong một bức thư ngỏ, Thị trưởng Jim Kenney trấn an các cử tri rằng cuộc bầu cử ở Philadelphia sẽ diễn ra một cách tự do và công bằng, đồng thời cam kết các lá phiếu - dù được gửi trực tiếp hay qua đường bưu điện, sẽ được kiểm công bằng và chính xác.