Tình trạng khẩn cấp ở California
Gió to càng khiến đám cháy rừng ở California bùng lên, biến mùa cháy rừng năm 2017 thành mùa cháy lớn thứ năm trong lịch sử, trong đó đêm 10-12, diện tích cháy rừng lan ra hơn 20.200 ha. Cư dân nhiều khu vực đã được lệnh sơ tán. Hình ảnh vệ tinh cho thấy bức tường lửa lan từ phía Bắc Los Angeles đến bờ biển Thái Bình Dương. Tính từ ngày 4-12 đến nay, đã có 200.000 người phải sơ tán khỏi nhà và 834 tòa nhà đã bị lửa nuốt chửng. Dự báo khí tượng cho biết tốc độ gió sẽ tăng trong những ngày tới càng làm công tác chữa cháy thêm khó khăn. Sáu chiếc trực thăng chữa cháy lớn cùng nhiều phương tiện chữa cháy khác tham gia chữa cháy. Các nhà chức trách đã ban hành cảnh báo tím - cảnh báo mức cao nhất - ở nhiều khu vực hanh khô. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở bang California do cháy rừng. Một số nhân viên cứu hỏa bị thương, và đã có 1 phụ nữ 70 tuổi chết trong xe hơi trong quá trình sơ tán. Cũng có lo ngại rằng đám cháy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp trị giá nhiều triệu USD của California.
Đặc biệt, trong số 20 vụ cháy rừng lớn nhất ở California kể từ năm 1932 đến nay chỉ có đám cháy năm nay diễn ra vào tháng 12, còn lại xảy ra vào mùa hè. Càng về những năm sau này, cùng với những năm nhiệt độ cao kỷ lục, bão lửa càng dữ dội hơn đã trở thành mối đe dọa suốt cả năm. Giám đốc Sở chữa cháy bang California, Ken Pimlott, phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 9-12 cho rằng bang này sẽ phải đối mặt với thách thức cháy rừng quanh năm. Tương tự, Thống đốc bang California, Jerry Brown, dự báo bang này sẽ ngày càng đối mặt với nhiều đám cháy rừng lớn do biến đổi khí hậu. “Khí hậu biến đổi sẽ làm trầm trọng hơn mọi thứ, California sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước trong các vụ cháy rừng và thiên tai khác”, ông Brown nói.
Châu Âu đông cứng vì tuyết
Trong khi đó, bão tuyết được xem là lớn nhất trong 4 năm qua đã hoành hành tại nhiều nước châu Âu. Theo Reuters, hàng trăm hành khách đi máy bay bị mắc kẹt tại sân bay Frankfurt cũng như ở Anh. Khoảng 330 chuyến bay đã bị hủy bỏ vào ngày 1-12 ở Franfurt sau khi tuyết rơi dày và nhiệt độ dưới 0°C. Sân bay Franfurt là trung tâm hàng không lớn nhất của Đức và căn cứ của hãng hàng không lớn Lufthansa trung bình có 1.260 chuyến bay trong ngày. Tại một nơi khác ở Đức, sân bay Duesseldorf buộc phải đóng cửa 4 tiếng đồng hồ vào buổi chiều 10-12. Trong khi đó, các đoàn tàu bị trì hoãn, chuyển hướng hoặc hủy bỏ qua tiểu bang Tây Bắc Rhine-Westphalia.
Tại Anh, sân bay Birmingham, phục vụ cho thành phố lớn thứ hai của đất nước này, đã ngừng các chuyến bay vào buổi sáng 10-12, khi nhân viên phải dọn tuyết đường băng. Sân bay thường đưa đón khoảng 30.000 hành khách và 200 chuyến bay mỗi ngày vào tháng 12. Nhiều chuyến bay tới đây đã phải đáp xuống nơi khác và nhiều chuyến chuẩn bị cất cánh bị hủy. Sân bay Luton ở London đóng cửa đường băng trong 2 tiếng đồng hồ trong chiều 10-12. Tại Pháp, một chiếc phà với hơn 300 người trên tàu dự kiến tới Anh đã phải dừng do bão tuyết lớn tại Calais, làm gián đoạn giao thông ở một trong những cảng hành khách bận rộn nhất của châu Âu. 32 khu vực ở Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động màu da cam với dự báo bão tuyết mạnh hơn 100km/giờ ở một số khu vực. Mưa lớn cũng dẫn đến việc đóng cửa hai sân bay ở hòn đảo Corsica (Pháp) tại Địa Trung Hải.