Phục hồi kinh tế, kiểm soát dịch bệnh
Việc trở thành người đứng đầu quốc gia số 1 thế giới về kinh tế đồng nghĩa với hàng loạt nhiệm vụ nặng nề đang chờ ông Joe Biden và chính phủ mới của ông giải quyết. Trong đó có việc đối mặt với thách thức xoa dịu những căng thẳng và bất đồng vốn đang bị chia thành hai phe trong cuộc bầu cử. Kể từ khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm nay, nhiều cuộc tuần hành đã nổ ra giữa những người ủng hộ 2 ứng viên Tổng thống. Trước ngày đại cử tri đoàn bỏ phiếu hôm 14-12, tuần hành vẫn tiếp tục diễn ra ở các bang Georgia, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Nevada và Arizona. Theo Công ty nghiên cứu theo dõi vũ khí Small Arms Analytics & Forecasting, người Mỹ đã mua gần 17 triệu khẩu súng vào năm 2020.
Để xoa dịu tâm lý bất an của người dân ngày càng lớn, biện pháp hữu hiệu là sớm khống chế đại dịch qua việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân. Theo dự kiến, chính quyền bang New Jersey bắt đầu tiêm chủng vào ngày 15-12 khi nhận 76.000 liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên. Các quan chức lưu ý, nguồn cung vaccine ban đầu khá hạn chế và chỉ tiêm cho những người trong diện nguy cơ cao nhất. Những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm cho nhân viên y tế, người tại các viện dưỡng lão - vốn có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao. Cùng với New Jersey, nhiều bang trên toàn nước Mỹ dự kiến sẽ tiêm vaccine cho người dân sau khi việc vận chuyển vaccine được hoàn thành.
Trước đó, ông Joe Biden cũng đã công bố 3 ưu tiên trong ứng phó đại dịch Covid-19 ngay trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền. Cùng với đó là kế hoạch khôi phục kinh tế mạnh mẽ. Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết sẽ lập tức đề xuất gói cứu trợ tài chính cho các gia đình lao động và doanh nghiệp nhỏ, cũng như tạo ra thêm việc làm liên quan trực tiếp đến khống chế đại dịch. Hiện nước Mỹ đang có trên 20 triệu người thất nghiệp.
Kiện toàn nội các
Một vấn đề nữa mà ông Joe Biden cần phải xúc tiến là kiện toàn bộ máy nhân sự của chính phủ mới, trước Giáng sinh. Ông Joe Biden vừa chọn bà Susan Rice làm lãnh đạo Hội đồng chính sách trong nước. Bà Susan Rice từng là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc và Cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Tom Vilsack, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp dưới thời ông Obama, được chọn nắm giữ lại vị trí này. Trong khi đó bà Marcia Fudge được mời làm Bộ trưởng Phát triển đô thị và nhà ở, bà Katherine Tai làm đại diện thương mại Mỹ. Tổng thống đắc cử cũng chỉ định tướng về hưu Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Joe Biden dự kiến sẽ tiếp tục công bố một số vị trí quan trọng vào tuần sau, mở đầu là vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Đến nay, các lựa chọn của ông Biden đều là những quan chức, cố vấn kỳ cựu và là những người ông thân thiết dưới thời ông Obama.
Ê-kíp chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden gần đây đã dành nhiều thời gian, công sức để tạo nền tảng pháp lý, chuẩn bị đưa ra những sắc lệnh hành pháp mạnh mẽ, dứt khoát, nhằm “bẻ lái” một số chính sách của ông Donald Trump trong nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, nhập cư, vũ khí hạt nhân, người chuyển giới… Nhưng trong danh sách này không có vấn đề thương mại.
Dư luận cho rằng, nhiều khả năng chính quyền mới sẽ chấp nhận theo đuổi di sản thương mại mà ông Donald Trump để lại, cụ thể là nghị trình thương mại “Nước Mỹ trên hết”. Động cơ chủ yếu xuất phát từ các tính toán chính trị cùng với đó là sự dịch chuyển về tư tưởng trong nội bộ đảng Dân chủ về tự do thương mại.
Ngày 15-12 (14-12 giờ Mỹ) với chiến thắng 55 phiếu bầu tại bang California, ông Joe Biden giành được 306 phiếu đại cử tri, vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống Mỹ. Kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ được gửi tới quốc hội, nơi lưỡng viện sẽ nhóm họp vào ngày 6-1, với sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mike Pence để kiểm phiếu và công bố chính thức ai sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. |