Thoát nguy cơ đóng cửa chính phủ
Chủ tịch nhóm đa số tại Thượng viện Chuck Schumer gọi kết quả bỏ phiếu là một “tia hy vọng” và nhấn mạnh: “Đây là một kết quả khả quan, tôi hài lòng vì chúng ta đã hoàn thành công việc. Hiện tại, đây là một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt trong thời gian qua nhằm đảm bảo rằng chính phủ mở cửa”.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật cấp ngân sách tạm thời giúp duy trì hoạt động chính phủ liên bang đến ngày 3-12. Nếu dự luật không được ban hành, chính phủ liên bang đã phải đóng cửa kể từ ngày 1-10 (giờ địa phương).
Chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump từng phải đóng cửa 35 ngày - lần đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ. Lần này, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ đóng cửa lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Việc đóng cửa không khiến toàn bộ hoạt động của chính phủ dừng ngay lập tức nhưng sẽ khiến hàng trăm ngàn nhân viên liên bang không được trả lương cho đến khi Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách mới.
Lúc này, đảng Dân chủ có thể tập trung vào vấn đề nâng trần nợ và thông qua 2 khoản chi lớn, gồm 1.200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và khoản chi tiêu 3.500 tỷ USD. Đây được coi là nội dung cốt lõi trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden.
Viễn cảnh vỡ nợ
Tuy nhiên, giới lập pháp Mỹ đang gặp bế tắc trong việc nâng trần nợ công. Trong nội bộ đảng Dân chủ xuất hiện nhiều ý kiến không ủng hộ. Nếu 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa không đạt được thỏa thuận, viễn cảnh Chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể xảy ra.
Nhóm nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện đã bác bỏ một dự luật được Hạ viện thông qua nhằm cấp tiền cho Chính phủ Mỹ hoạt động tới cuối năm nay, cũng như đình chỉ áp dụng mức trần nợ công 28.400 tỷ USD tới cuối năm 2022.
Lý do được phía đảng Cộng hòa đưa ra là việc nâng trần nợ công sẽ tạo điều kiện cho đảng Dân chủ có điều kiện theo đuổi khoản chi tiêu ngân sách lên đến hàng ngàn tỷ USD cùng với các thay đổi chính sách khác mà họ không ủng hộ.
Chiến thuật đẩy tài khóa quốc gia đến bờ vực thảm họa thường xuyên xảy ra ở Mỹ, do sự phân cực 2 đảng và cả sự chia rẽ nội bộ của từng đảng. Điển hình nhất là các thỏa thuận về trần nợ công đã dàn xếp vào phút chót trong năm 2011 và 2017.
Chính phủ Mỹ đang thâm hụt ngân sách lớn (chi tiêu nhiều hơn thu nhập từ thuế). Để khắc phục, chính phủ sẽ vay tiền bằng cách phát hành nợ. Tuy nhiên, việc phát hành nợ chỉ được phép trong một hạn mức nhất định do quốc hội quy định. Nếu quốc hội không nâng hạn mức, Bộ Tài chính sẽ không có khả năng thanh toán tất cả hóa đơn chính phủ.
Giới phân tích dự báo, với tốc độ vay nợ hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ sẽ mất quyền phát hành trái phiếu vào trung tuần tháng 10, kéo theo nguy cơ không thanh toán được các khoản nợ tới hạn. Nếu điều này thực sự xảy ra sẽ tạo nên cú sốc cho thị trường tài chính Mỹ.
Ông John Williams, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, chi nhánh New York, cho rằng nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ tạo ra một tác động cực kỳ tiêu cực, không chỉ với kinh tế Mỹ mà còn với cả thế giới.