Nước mắt và niềm tin

Một ngày ở Phòng thăm gặp của Cơ sở xã hội Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TPHCM), tôi chứng kiến biết bao cảnh nhói lòng. Đó là những người mẹ lặn lội vào thăm con đang điều trị. Hay những đứa con kiên trì giúp mẹ cai nghiện. Tình thân là động lực giúp học viên cai nghiện vượt qua cơn đau, cám dỗ... 
Người thân luôn là điểm tựa vững chắc đối với học viên tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân
Người thân luôn là điểm tựa vững chắc đối với học viên tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân
1. Người mẹ già vội vàng bước vào cổng Cơ sở xã hội Nhị Xuân, khuôn mặt hom hem nhễ nhại mồ hôi, luôn miệng nhờ bác sĩ chăm sóc, để ý con mình.
“Hơn 10 năm rồi. Cứ như vậy chắc tôi gục ngã trước nó mất”, lời tâm sự của người mẹ có đứa con duy nhất nghiện ma túy đã hơn 10 năm khiến y bác sĩ điều trị, cán bộ cơ sở Nhị Xuân nhói lòng.
Hơn 10 năm trước, bà hạnh phúc khi nhận tin con trúng tuyển đại học. Nào ngờ, xa gia đình, bước chân vào giảng đường, đứa con trai học đòi chơi ma túy. 10 năm là quãng thời gian bà đồng hành, kiên nhẫn đưa con ra - vào cơ sở cai nghiện. 
Theo quy định, con bà mới về thăm nhà nên thân nhân không được vào thăm nuôi. Dù vậy, bà vẫn lặn lội vào cơ sở gửi tiền sinh hoạt cho con… 
2. Cô con gái dìu mẹ vào phòng khám. 
“Sao con tôi nói tôi không có bệnh gì vậy bác sĩ? Tôi bệnh gần chết đây nè”, người mẹ (52 tuổi) là học viên cai nghiện, cáu gắt.
Hai mẹ con gặp bác sĩ trao đổi về tình hình cai nghiện của người mẹ. Sau khi khám xong, người mẹ khẳng định với con gái rằng thuốc ở đây phát không chữa hết bệnh. Bà cần con gửi thêm tiền để bà ra khám ở bệnh viện bên ngoài. 
Cô con gái là sinh viên năm cuối, chuyên ngành thiết kế đồ họa. 5 tháng trước,  cô đưa mẹ vào cơ sở cai nghiện. Ở nhà, những người xung quanh dèm pha khi mẹ cô gần đất xa trời mà nghiện ma túy. Từ đó đến nay, không ngày nào con gái không lo lắng, bất an. Cô đi học nhưng trong đầu luôn hiện lên hình ảnh mẹ vật vã trong cơn đau.
Cách đây mấy ngày, mẹ cô nói dối đang bệnh nặng, nhắn con lên đóng tiền vì bà muốn đi khám chuyên khoa ở bệnh viện ngoài. Cấp tốc vào thăm mẹ, cô càng hoang mang khi nhận ra mẹ chưa thể quên hẳn ma túy. Cán bộ, y bác sĩ ở cơ sở Nhị Xuân xúm vào động viên, dẫn chứng nhiều trường hợp người già cai nghiện thành công. Nhờ vậy, cô con gái an tâm ra về. 
3. Giọng nói lớn phá vỡ không gian yên tĩnh trong phòng thăm gặp.
“Bà đứng tên hay ai đứng tên? Nếu bà đứng tên trong hồ sơ thì cứ bảo lãnh tui về nhà, chứ nói người này người nọ là sao? Bộ muốn tui chết trong này lắm hả”, một học viên nam to tiếng với mẹ. Kế tiếp, một chiếc điện thoại văng ra cửa phòng, vỡ nát. Những tiếng nức nở vang lên. Người học viên ấy, mẹ, vợ và đứa con nhỏ của anh cùng rơi nước mắt. Người vợ ôm con đứng bên cạnh chồng, thút thít: “Cố gắng đi anh. Mẹ sẽ đưa anh về nhà sớm thôi”.  
Một gia đình hạnh phúc, yên ấm bỗng tan đàn xẻ nghé vì anh (học viên nam to tiếng - tác giả) không thể tránh xa thứ hàng trắng chết người. Người thân trong gia đình theo sát, kiên trì cùng bác sĩ giúp anh cai nghiện. Dù vậy, nhiều khi chính bản thân anh chán chường, nóng vội. 
4. Chuông báo hết giờ thăm gặp. Người cha khoác vai con trai, nói cười phấn khởi. Ông vui vì có lẽ đây là lần cuối ông vào thăm con. Ông nói với con: “Lần này về là cố gắng con nhé. Bỏ hết tất cả và làm lại từ đầu, thời gian quý báu lắm, nó không dừng lại và chờ đợi ai cả. Ba tin tưởng con rất nhiều”. Con trai ông - một học viên nam tuổi đời còn rất trẻ - chuẩn bị trở về cộng đồng. Sau thời gian dài gian nan, cậu đã cắt đứt hoàn toàn với cám dỗ ma túy. 
Tiễn cha ra cổng, người con trai hứa nhất định làm theo lời cha dạy, tuân thủ quy trình điều trị do bác sĩ đề ra. Như muốn chia vui với chúng tôi, cậu học viên khoe: “Sáng thứ hai em thanh lý hợp đồng nha bác sĩ”.
Cậu học viên quyết tâm -  vì cha mẹ và hơn hết là vì chính bản thân mình - mà làm lại cuộc đời. Sự đồng cảm, thấu hiểu từ những người xung quanh giúp cậu cũng như nhiều học viên khác thay đổi tư tưởng, lấy lại ý chí, nghị lực. 
***
Không chỉ cán bộ, y bác sĩ, học viên, mà cả người thân vào thăm gặp đều không thể quên dòng chữ ghi trên áp phích tại cơ sở Nhị Xuân: “Nếu không thể làm ba mẹ tự hào, vậy hãy để họ bớt lo lắng đi cũng được”.
----------------
(*) Tác giả là bác sĩ làm việc tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân

Tin cùng chuyên mục