Bất lực nhìn lũ cuốn trôi tôm, cá
Sau trận lũ vào đêm 10-11, PV Báo SGGP trở lại vùng nuôi trồng thủy hải sản ở thị xã Sông Cầu – đây được mệnh danh là thủ phủ nuôi trồng thủy hải sản bậc nhất của miền Trung.
Đêm lũ ồ ạt đổ về, người dân ở thị xã Sông Cầu chứng kiến cơn lũ lịch sử, lũ cuồn cuộn nhấn chìm nhà cửa, cuốn trôi tài sản lồng bè của người dân. Tại lạch thoát nước Lạch Khẩu (thị xã Sông Cầu), nhiều người dân vẫn đang nỗ lực trục vớt, kéo những xác tàu bị lũ cuốn đắm lên để khắc phục.
Dọc đường đi đến khu phố Dân Phước, Xuân Thành (thị xã Sông Cầu), hàng loạt thương lái đang thu mua từng xe thồ lớn tôm hùm chết do sốc lũ. Giá tôm chết do sốc lũ được các thương lái mua rất thấp, chỉ 200.000 đồng/1kg.
Đêm lũ đổ về, cha con ông Trần Văn Cơ (50 tuổi, khu phố Xuân Thành, thị xã Sông Cầu) vẫn còn ở ngoài bè để tranh thủ dọn dẹp, khắc phục hậu quả của cơn bão số 12 vừa đi qua. Đến giữa khuya, cha con ông Cơ đang ngủ trên bè thì nước lớn từ thượng nguồn ùn ùn đổ về, chảy xiết.
“Lũ lớn, chảy như thác, các lồng bè tôm cá của tôi bắt đầu rung lên rồi từ từ bị nước dỡ tung bật lên khỏi mặt nước, tôm, cá rào rào thoát ra ngoài. Giữa đêm tối mịt, lũ cuồn cuộn đổ về, cha con tôi dường như bất lực đứng nhìn lồng bè bị lũ dỡ phá, cá, tôm trôi hết. Hơn 20 năm nuôi trồng thủy hải sản ở đây, tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ lớn như vậy”, ông Cơ kể.
Ngoài cha con ông Cơ, lũ cũng cuốn trôi, làm chết hết 20.000 con tôm hùm xanh và nhiều cá của anh Trần Yêm (42 tuổi, ở phường Xuân Thành), gây tổn thất 700 triệu đồng. Lũ cũng cuốn trôi hết 16.000 con tôm hùm xanh cùng với nhiều lồng cá của anh Trần Yên (45 tuổi, cùng ở phường Xuân Thành), để lại cho anh tổn thất 600 triệu đồng.
Lo chủ nợ siết nhà
Trước đó, lúc chúng tôi đến nhà, vợ chồng ông Cơ rất lo lắng, dè chừng vì sợ chủ nợ đến siết nhà. Sau một hồi trấn an, vợ chồng ông Cơ mới chịu mời khách vào nhà. Bà Huệ kể: “Lũ về chỉ hơn 1 giờ đồng hồ đã cuốn hết tôm cá của vợ chồng tôi nuôi trên vịnh Xuân Đài, tổn thất hơn 1 tỷ đồng. Giờ tôi còn nợ hàng trăm triệu ở ngân hàng, nợ ngoài cũng rất nhiều nên từ sáng giờ đóng bít cửa không dám tiếp ai hết.”
Nghe chúng tôi hỏi chuyện tôm cá sau lũ, chị Trần Thị Được (vợ anh Yêm) ôm đứa con mới 10 tháng tuổi khóc nghẹn. “Tôm cá của tôi số thì đã nuôi được 4 đến 5 tháng, số thì hơn 14 tháng sắp thu hoạch được rồi, giờ lũ đổ về khiến vợ chồng tôi gần như trắng tay. Hiện tôi còn vay ngân hàng 600 triệu và nợ ngoài cũng nhiều, tiền lãi hàng tháng rất cao giờ chẳng biết lấy nguồn đâu để bù đắp.”, chị Được nói.
Chị Lê Thị Mỹ Lan (43 tuổi, vợ anh Trần Yên) lo lắng, nói: “Giờ chúng tôi lo lắng nhất là nợ nần, sợ bị siết nhà, siết tài sản. Dân nuôi tôm, cá ở đây đa số là vay mượn ngân hàng, vay tiền nóng để thả giống, cho tôm, cá ăn. Giờ mọi người đều trắng tay”.
Trong sáng 12-11, ngành chức năng thị xã Sông Cầu vẫn đang tiếp tục thống kê các thiệt hại sau cơn lũ đổ về đêm 10-11 để có hướng can thiệp, hỗ trợ giúp người nuôi trồng thủy hải sản.