Những ngày này, tranh thủ trời nắng ấm, nước lũ rút xuống, người dân ở nhiều xã vùng tâm lũ huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đang tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường nhà cửa, sân vườn, đường làng ngõ xóm để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau lũ, thiệt hại về tài sản của người dân là quá lớn.
Nước mắt nơi rốn lũ
Có mặt tại xã Cẩm Thành, PV Báo SGGP Online ghi nhận, tuy nước lũ đang rút nhưng nhiều khu vực nhà dân, đường giao thông vẫn còn bị ngập nước, chia cắt cục bộ.
Hai ngày nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy (38 tuổi, ở thôn Kênh, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) vất vả bì bõm lội nước hết từ ngoài sân rồi vào trong nhà để dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, chồng sách vở học tập của các con bị nước lũ làm ướt sũng, hư hỏng.
Chị Thúy lo lắng: “Nhà có 1 tầng lụp xụp, nước lũ đổ về quá mạnh khiến bị ngập sâu gần 1,5m. Trước đó, khi xã thông báo và nhìn mực nước lũ đổ về dồn dập, gia đình tôi chỉ kịp đưa được 2 người con đi nơi khác tránh lũ an toàn, còn toàn bộ tài sản trong nhà, gồm: hơn 500kg lúa, máy giặt, tủ lạnh, bàn ghế, tủ gỗ, giường chiếu, chăn mùng, các hàng tạp hóa… không kịp di dời lên cao nên đều bị ngâm nước, hư hỏng; 20 con gia cầm bị cuốn trôi. Toàn bộ sách vở học tập, quần áo của các con bị ướt, bùn đất bám lem luốc. Hiện nhà không có điện, không có bếp lửa nên phải đưa gạo sang nhà hàng xóm để xin nấu hộ. Sau lũ cuộc sống gia đình và việc học tập của các con rất khó khăn, mong chính quyền các cấp giúp đỡ để vượt qua giai đoạn này”.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy (ở thôn Kênh, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thu dọn chồng sách vở của các con đã bị bị nước lũ, bùn đất làm ướt, hư hỏng
Cạnh nhà chị Thúy, bà Trần Thị Hoa (53 tuổi, ở thôn Kênh, xã Cẩm Thành) đang vội rải các bao lúa ra nền nhà nhằm cứu vãn tình trạng nảy mầm do ngấm nước lũ lâu ngày.
Khi chúng tôi đến, bà Hoa tạm nghỉ, ngồi xuống dùng tay vốc từng nắm lúa đã nảy mầm, bốc mùi chua, cho biết, cả vụ mùa làm cật lực lắm mới được hơn 1 tấn lúa thì nay bị nước lũ ngập ướt gần 4 ngày khiến nảy mầm, bốc mùi chua. Bây giờ mong trời nắng kéo dài để phơi sấy khô mới hy vọng sử dụng được số lúa này nếu không chỉ còn cách là làm thức ăn cho gia súc.
Bà Trần Thị Hoa (ở thôn Kênh, xã Cẩm Thành) xót xa vì số lúa đã bị ngâm nước lũ nảy mầm
"Trong lũ dữ, nhà tôi ở ngay mặt đường chính của xã nên bị ngập nước sâu gần 1,5m, đến nay sân vườn vẫn còn ngập nước; bàn ghế, xe máy, xe đạp, các đồ dùng khác trong nhà đều bị ngâm nước lâu ngày, hư hỏng; bùn đất, rác bẩn tràn vào bám chặt nhà cửa, sân vườn..., nhiều gia cầm bị cuốn trôi. Lũ rút chắc chắn cuộc sống gia đình tôi sẽ gặp nhiều khó khăn...”, bà Hoa nói trong nước mắt.
Người dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đưa lúa bị ngâm nước lũ lâu ngày nảy mầm đi phơi nắng hoặc sấy khô với hy vọng sẽ cứu vớt được tài sản
Cũng tại xã Cẩm Thành, nhiều chủ trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đang đối diện với thiệt hại rất nặng nề về tài sản do lũ lụt gây ra.
Ông Phạm Văn Nam (49 tuổi, ở thôn Kênh) dẫn chúng tôi cùng lội nước ngập gần 40cm vào tận trại chăn nuôi của mình. Nhìn 4 con heo đang nằm bơ phờ trong dãy chuồng trống huơ trống hoắc sau lũ, ông Nam xót xa: “Cuộc sống của người dân chúng tôi chỉ biết dựa vào sản xuất, chăn nuôi, nhưng năm vừa rồi dịch bệnh hoành hành khiến một phen lao đao, nay lại gặp lũ lụt kinh hoàng làm trại bị ngập sâu gần 2m, cả đàn heo tổng cộng 61 con bị nước lũ cuốn trôi mất 57 con (mỗi con nặng khoảng 30kg), hiện tại chỉ còn lại vỏn vẹn 4 con heo nhỏ may mắn sống sót. Ngoài ra, hơn 200 con gà cũng bị nước lũ cuốn trôi… 2 tấn lúa cũng bị ngâm nước nảy mầm, bốc mùi chua đang nhờ người đưa đi phơi khô mong vớt vát lại phần nào, nếu không cũng sẽ làm thức ăn cho chăn nuôi. Bây giờ tôi không biết phải gầy dựng lại sản xuất như thế nào nữa. Tổng thiệt hại gần 200 triệu đồng.”.
Ông Phạm Văn Nam (thôn Kênh, xã Cẩm Thành) xót xa nhìn đàn heo 61 con nay chỉ còn vỏn vẹn 4 con nhỏ sót lại sau khi nước lũ rút
Tương tự, ông Biện Văn Tân (49 tuổi, ở thôn Kênh), buồn rầu cho biết, trại chăn nuôi của ông cũng bị ngập nước sâu gần 2m, 20 con heo cân nặng khoảng từ 30-40kg/con và 1 con heo nái gần 200kg cùng hàng tạ cá nuôi ở các hồ bị cuốn trôi sạch, thiệt hại tài sản trên 100 triệu đồng.
Ông Biện Văn Tân (thôn Kênh, xã Cẩm Thành) bên trại chăn nuôi có 20 con heo bị nước lũ cuốn trôi
Ông Nguyễn Huy Trí, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành, cho biết, hiện tại chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng tập trung công tác cứu hộ cứu nạn cho người dân. Thiệt hại về người tại địa phương là không có nhưng thiệt hại về tài sản là hết sức nặng nề, trong đó 100% lúa của người dân bị ướt, nảy mầm, bốc mùi chua, hư hỏng; gia cầm hầu như bị chết sạch; khoảng 80% heo bị chết và cuốn mất tích, khoảng 30-40% trâu bò bị chết, cuốn mất tích, mắc kẹt; cây trồng bị chết, các nhà trường bị ngập sâu làm hư hỏng cơ sở vật chất, sách vở, đồ dùng học tập; đường giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề…
Giúp dân khắc phục hậu quả
Cùng với người dân ở xã Cẩm Thành, tại các địa phương khác ở địa bàn vùng lũ các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đang đối diện bị thiệt hại nặng nề về tài sản sau khi lũ rút.
Những ngày qua chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh vừa chỉ đạo các lực lượng chức năng, tổ chức đoàn thể nỗ lực tiếp tế kịp thời lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, nước uống… cho người dân; vừa giúp đỡ người dân tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, thống kê thiệt hại tài sản để từ đó có các mức phân bổ, hỗ trợ tiếp sức cho người dân nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh giúp các trường học ở vùng lũ huyện Cẩm Xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường
Lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh giúp các trường học ở vùng lũ huyện Cẩm Xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường
Công an Hà Tĩnh cùng các giáo viên tích cực dọn dẹp vệ sinh trường lớp ở vùng lũ huyện Cẩm Xuyên để sớm đón học sinh trở lại trường
Với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó”, các lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh... tiếp tục huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện tích cực giúp đỡ người dân vùng lũ ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ rút, để sớm ổn định đời sống, đảm bảo cho học sinh sớm quay trở lại trường.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục cử các cán bộ trực tiếp về phối hợp với các địa bàn vùng lũ ở tỉnh Hà Tĩnh để giám sát, hỗ trợ chuyên môn và hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh, chuồng trại sau lũ lụt; đồng thời cấp bổ sung thêm cho một số huyện bị ngập nặng 500kg hóa chất và 40.000 viên Aquatas...
Trước đó, từ đầu mùa mưa bão, CDC tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cấp dự phòng về cho các địa phương trung bình 100kg hóa chất/huyện...
Cán bộ y tế tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn xử lý môi trường nước sinh hoạt sau lũ
Lũ lụt đi qua để lại nhiều lo lắng về vấn đề xử lý môi trường
Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn; CDC Hà Tĩnh, các bệnh viện/Trung tâm y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo y tế ứng phó với mưa lớn, lũ lụt.
Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo trung tâm y tế triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn và lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức thu gom xác động vật chết, sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn, tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm...
Đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng lũ lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt của Bộ Y tế...
Trưa 23-10, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, tính đến thời điểm này các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước đã đăng ký ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua trên toàn tỉnh Hà Tĩnh gần 24 tỷ đồng. Ngoài ra, ủng hộ hàng hóa trị giá quy ra tiền trên toàn tỉnh là hơn 5 tỷ đồng.