Thú thật, đó là nét chấm phá tinh tế nhất về những người vốn vẫn cô đơn trong sáng tạo, vốn vẫn cứ chợt nhớ, chợt quên trước vô vàn cạm bẫy của cuộc sống thị trường.
Song lẽ họ là vậy. Cười đó, khóc đó. Nhiều khi một mắt cười, mắt kia vẫn lệ tuôn tràn bờ mi. Nghệ sĩ mà! Lại nhớ vụ kiện đình đám của đạo diễn, diễn viên Ngọc Trinh trước những đồng nghiệp cũng là dân văn nghệ sĩ như mình để thấy thương phận làm nghệ thuật. Ở đây, có lẽ thắng thua không quan trọng, không phải trận chiến sống mái tiền - tình giữa đại gia và chân dài kiểu Phương Nga - Toàn Mỹ, mà là tiếng hét tuyệt vọng của xúc cảm bị kìm nén. Như người ta hay nói có bên thắng cuộc, bên thua cuộc, nhưng xét cho cùng chỉ nghệ thuật là thua trắng. Ngọc Trinh, một phụ nữ bé nhỏ, bộc trực và cả tin vào sức mạnh tuyệt đối của “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã bật khóc trước phiên tòa, trong phiên tòa và sau phiên tòa vì những chuyện bên lề tháp ngà nghệ thuật: đồng tiền.
Cùng chứng kiến cả nguyên đâm đơn và bên bị đơn, các nghệ sĩ không khỏi rớt nước mắt nhìn ngắm họ - những học sinh đầu cấp còn không hiểu thế nào là hợp đồng kinh tế, thế nào là hóa đơn đỏ V.A.T…, buộc phải lôi nhau ra tòa với cách ứng xử như trên sàn diễn. Thật sự, cách Ngọc Trinh ăn nói trước tòa với sự bột phát và cả núi cảm xúc tuôn trào khiến tất cả vừa buồn cười vừa thương, vì có gì đó tồi tội và côi cút, khác hẳn cách cô thể hiện vai diễn là những phụ nữ quyền lực và ám ảnh quyền lực như phu nhân Macbeth trong bi kịch của Shakespeare. Và vì đời không phải là sân khấu nên sau khi thắng kiện, Ngọc Trinh chỉ nở một nụ cười tươi rồi kiệt sức “bỗng thấy mình chẳng nhớ một con đường”, chỉ còn cảm giác viên mãn: ừ thì công bằng đã được tái lập. Còn tiền bồi thường có hay không (mà nghệ sĩ thì thường không có) thì như ta hay nói… xem hồi sau sẽ rõ cả vở tuồng. Cách duy nhất là lại lăn xả vào diễn. Diễn và diễn, vì có diễn mới có tiền, mới có cứu cánh cho cuộc đời nghệ sĩ đầy thăng trầm.
Và vì “cơm áo không đùa với nghệ sĩ”, họ phải bôn ba kiếm sống bằng đủ nghề tay phải, tay trái để có “Giấc mộng đêm hè” (tên một vở kịch của Shakespeare) là một vai diễn nhỏ trong các quán cà phê xộc xệ với sân khấu chật chội, tối giản hết mức có thể. Mà họ vẫn cháy hết mình vì nghệ thuật. Không ai nhớ ngày ngày từ lúc mờ sáng họ đã khăn gói ra đi bán từ vịt lộn đến tỏi đen, nghĩa là đời có nghề gì thì họ có nghề đấy. Để rồi khi ánh đèn vàng vọt hiện lên, họ lại bừng sáng long lanh như cô gái Lọ Lem thoắt trở thành công chúa cùng khiêu vũ điệu Tango với hoàng tử đích thực của cuộc đời. Nhưng Lọ Lem còn được chim chóc, muông thú và bà tiên giúp sức để đổi đời, còn họ - có cuộc đời còn khổ hơn Lọ Lem thì ai chìa tay ra cưu mang?
Xin thưa, chỉ có tự thân vận động. Người có gia cảnh khá giả thì còn thế chấp ngân hàng vay tiền dựng vở, làm phim sitcom, kẻ nghèo túng thì tạm bợ hùn hạp ít tiền cùng thực hiện dự án nhỏ, miễn là còn được làm nghề, được sống với tổ nghiệp. Nghĩa là có mồ hôi, có mất mát tiền bạc, kể cả máu đổ trên sàn diễn… song tất cả chỉ là chuyện nhỏ so với đam mê sống cùng nghệ thuật mà chỉ có nghệ sĩ đích thực mới hiểu được.
Và có lẽ doanh thu là điều xa xỉ nhất với họ. Khi làm phim “Cha cõng con”, đạo diễn trẻ Lương Đình Dũng cũng không nghĩ phim mình sẽ hút khách, sẽ bán được lượng vé khủng. Đơn giản là anh theo đuổi dòng phim nghệ thuật, có tiêu chí rõ ràng về tính nhân văn, không bóp méo, không kịch tính phô diễn mặt trái xã hội với hy vọng sống tràn ngập ở cuối phim. Giống như trong cổ tích với kết thúc có hậu: rồi họ sống hạnh phúc, mãi mãi bên nhau.
Mới đây, bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, dựa theo truyện của Nguyễn Nhật Ánh, cũng như một làn gió mát, trong trẻo thổi vào sự u ám nói chung của đời sống nghệ thuật. Như thế, chúng ta có quyền hy vọng một thế hệ trẻ làm nghệ thuật có tài, có tâm, còn lại - tiền cho nghệ thuật và có tiền từ sản phẩm nghệ thuật - thì đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, và nhất là sự ủng hộ của công chúng.
Cứ nghĩ đơn giản, mua một vé xem phim, kịch - chắc có giá chỉ vài chai bia - thì chúng ta làm bớt đi một tội phạm, bớt đi một con nghiện thì thấy nhẹ nhõm làm sao. Chúng ta cũng không đao to búa lớn đòi Nhà nước phải xây các công trình văn hóa to tát vì biết ngân sách phải căng kéo, gồng mình cho phát triển. Chỉ đơn giản là tạo điều kiện cho nghệ thuật như ưu đãi thuê đất, cấp tín dụng lãi suất thấp… và đơn giản hơn nữa là lãnh đạo ngành văn hóa tự bỏ tiền túi mua một vé “về lại tuổi thơ”, không chờ có vé mời, vé biếu… Mong thay những nghĩa cử như vậy để nghệ sĩ bớt đi nỗi khổ, bớt đi những giọt nước mắt vẫn lăn dài với nghề nghiệp trong cuộc đời.